Chưa đủ khả năng
Ngày 29/3, Bộ Y tế và Ngân hàng Thế giới đã tổ chức hội thảo về định hướng phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới tại TP.HCM.
Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, so với thời điểm Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW, cùng với sự thay đổi và phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân ngày càng cao… thì hệ thống y tế cơ sở đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: Tốc độ già hóa dân số nhanh, đối phó với các bệnh lây nhiễm, bệnh mới phát sinh…
Với chất lượng nguồn nhân lực tại tuyến cơ sở còn yếu, số lượng còn thiếu; việc đào tạo, cập nhật thường xuyên về kiến thức, kỹ năng y khoa còn hạn chế dẫn đến nhiều trạm y tế không có nhân lực đủ trình độ chuyên môn để thực hiện dịch vụ.
Toàn cảnh hội thảo về định hướng phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới. |
Từ đó dẫn đến tình trạng, tỷ lệ lượt khám chữa bệnh BHYT tại tuyến huyện và xã năm 2022 khoảng 75% nhưng tỷ lệ chi phí sử dụng quỹ BHYT chỉ khoảng 33%, trong đó tuyến xã tỷ lệ lượt khám chữa bệnh BHYT là 17% nhưng tỷ lệ chi phí chỉ 2%.
Ông Đoàn Minh Cương, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: “Cơ sở vật chất y tế tại huyện Lâm Hà vẫn gặp rất nhiều khó khăn dù đã hoạt động được gần 38 năm. Chúng tôi đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đồng bộ, giường bệnh không đáp ứng được về cơ sở vật chất, chất lượng và số lượng khám chữa bệnh.”
Hiện nay, lực lượng nhân viên y tế huyện Lâm Hà đạt 5,2% trên mức độ chăm sóc, điều trị cho 10.000 dân. Tổng 16/16 trạm y tế xã đều có bác sĩ, tuy nhiên số lượng này làm việc không bền vững. Trên thực tế, trong 10 năm vừa qua, trung tâm y tế huyện chỉ tuyển được 3 bác sĩ, số bác sĩ tăng thêm chủ yếu thay thế nhân sự về hưu.
Ngoài ra, với tình trạng thiếu hụt vật tư y tế như hiện nay, ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ Y tế cần có 1 giá chung đối những sản phẩm thiết yếu khi việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế tiêu hao trùng nhau giữa các bệnh
viện và giữa các tỉnh để kịp thời đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Cần khắc phục khuyết điểm
Có thể thấy, số lượng và chất lượng dịch vụ của tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là các huyện vùng khó khăn, ở trạm y tế xã vẫn còn hạn chế. Đồng thời, bình quân các trạm y tế xã chỉ thực hiện được 60-70% dịch vụ kỹ thuật, cung ứng khoảng 40% thuốc thuộc gói dịch vụ y tế cơ bản nên chưa đủ khả năng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân.
Ngoài ra, tổ chức hệ thống y tế cơ sở còn chưa ổn định đã tạo ra những biến động cả về tổ chức, nhân lực và khả năng cung ứng dịch vụ. Từ đó dẫn đến tình trạng một số địa phương đã giải thể trạm y tế phường, thị trấn.
Cần tiếp tục nâng cao khả năng của y tế cơ sở trong tình hình mới. |
Với thực trạng này, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, lâu nay, dù ngành y tế triển khai các hoạt động luân phiên nhân viên y tế nhưng vẫn không đủ để tiếp cận đến từng người dân, gia đình.
“Để khắc phục tình trạng này, TP.HCM đã xây dựng đề án này và đang thử nghiệm, với mỗi khu phố có 3 cộng tác viên. Thế nhưng, tôi kiến nghị trong tương lai, Việt Nam cần có chính sách bắt buộc đối với tất cả các bác sĩ phải có nghĩa vụ công tác tại y tế cơ sở một thời gian nhất định trong hành trình gắn bó với nghề”, ông Thượng chia sẻ.
Việc đổi mới cơ chế tài chính cho y tế cơ sở cũng được Bộ Y tế kiến nghị như tăng tỷ trọng chi của quỹ bảo hiểm y tế cho khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến huyện và đặc biệt là trạm y tế xã thông qua việc mở rộng danh mục thanh toán bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó là các giải pháp như tăng cường nguồn nhân lực cho y tế cơ sở, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe…