Sức khỏe doanh nghiệp
HEC Corp: Kinh doanh đi xuống, thoái vốn vẫn đắt hàng
Lâm Vũ - 13/01/2022 09:23
Kết quả kinh doanh liên tục đi xuống, song cổ phiếu của Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Thủy lợi Việt Nam (HEC Corp) vẫn hấp dẫn nhờ sở hữu đất vàng tại các thành phố lớn.

Làm ăn bết bát, cổ phiếu vẫn cao giá

Cuối tháng 12/2021, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã thông báo kết quả đăng ký mua cổ phần chào bán cạnh tranh theo lô của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại HEC Corp. Theo đó, 5 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua tổng cộng 10,78 triệu cổ phiếu của HEC Corp, gấp 5 lần khối lượng SCIC chào bán (2,156 triệu cổ phiếu, tương đương 49% vốn điều lệ của HEC Corp).

HEC Corp hiện hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế, giám sát các công trình xây dựng thủy điện, thủy lợi. Lĩnh vực hoạt động này khiến kết quả kinh doanh của Tổng công ty phụ thuộc nhiều vào hoạt động đầu tư công của Nhà nước nói chung và đầu tư cho lĩnh vực thủy lợi nói riêng.

Theo báo cáo tài chính của HEC Corp, trong năm 2018, doanh thu thuần hợp nhất tăng 95% so với năm 2017, đạt 231,8 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng gấp 2 lần, đạt 14,08 tỷ đồng nhờ Nhà nước đẩy mạnh đầu tư công, nhiều công trình được giải ngân sớm hơn so với dự kiến, kết hợp với khối lượng công việc thực hiện từ năm trước được nghiệm thu.

Tuy nhiên, ngay sau năm tăng trưởng đột biến này, kết quả kinh doanh trong 2 năm sau đó đã liên tục giảm mạnh, khi Nhà nước điều chỉnh vốn đầu tư công giữa các dự án, khối lượng công việc tư vấn, thiết kế sụt giảm.

Cụ thể, trong năm 2018 và 2019, doanh thu thuần hợp nhất của HEC Corp lần lượt giảm 20,28% và 23,66% so với thực hiện năm liền trước, lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm 35,09% và 44,1%. Kết quả kinh doanh năm 2020 cũng ghi nhận mức thấp nhất trong giai đoạn 5 năm 2016-2020. Mặc dù thông tin về kết quả kinh doanh năm 2021 của HEC Corp chưa được công bố, song bức tranh kinh doanh được dự báo cũng chưa khả quan hơn trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động đầu tư công cho các công trình thủy lợi tiếp tục ảm đạm.

Bên cạnh đó, việc thị trường mục tiêu chủ yếu là dự án có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cũng khiến thời gian hoàn thành, nghiệm thu, thanh quyết toán của Tổng công ty bị kéo dài, ảnh hưởng đến kế hoạch dòng tiền, làm phát sinh các khoản nợ vay để duy trì dòng tiền kinh doanh, đầu tư.

Theo báo cáo tài chính của HEC Corp, tính đến ngày 31/12/2020, các khoản phải thu ngắn hạn là 116,8 tỷ đồng, chiếm 60% tổng tài sản. Trong 2 năm 2019-2020, mặc dù có lợi nhuận, nhưng dòng tiền kinh doanh của Tổng công ty đều âm, phải tăng cường nợ vay ngắn hạn để bổ sung nguồn vốn.

Một điểm cũng đáng chú ý trong bức tranh hoạt động kinh doanh của HEC Corp là tỷ lệ chi phí quản lý doanh nghiệp trên lợi nhuận gộp ở mức khá cao và có xu hướng tăng qua các năm, từ 58,5% năm 2018 lên 73,2% năm 2019 và 83,3% năm 2020.

Sức hấp dẫn từ đất vàng

Rõ ràng, nếu xét về kết quả kinh doanh, thì cổ phiếu của HEC Corp không mấy hấp dẫn so với mức giá khởi điểm 40.300 đồng/cổ phiếu được SCIC đưa ra, tương ứng định giá doanh nghiệp ở mức 177,3 tỷ đồng, gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu của Tổng công ty tại thời điểm cuối năm 2020. Cơ sở cho mức giá cao của cổ phiếu HEC Corp được đánh giá nằm ở giá trị của các bất động sản mà doanh nghiệp đang quản lý. Đặc biệt là, với tỷ lệ thoái vốn trọn lô lên đến 49%, nhà đầu tư mua thành công có thể tiến tới nắm tỷ lệ chi phối tại doanh nghiệp.

Theo Phụ lục 1, bản công bố thông tin chào bán cổ phần của SCIC tại HEC Corp cho đợt chào bán cổ phần tháng 12/2021, HEC Corp và các đơn vị thành viên đang quản lý tổng cộng 17.050 m2 đất ở nhiều tỉnh, thành phố lớn.

Riêng tại Hà Nội, Tổng công ty đang quản lý và sử dụng 2 lô đất với tổng diện tích hơn 4.600 m2, gồm lô tại tại số 2 - Chùa Bộc (quận Đống Đa), rộng 2059,7 m2, làm trụ sở của Tổng công ty và lô số 95/8/116 - Chùa Bộc, diện tích 2.619,6 m2, làm trụ sở của HEC14.

Tại Hưng Yên, HEC Corp quản lý 4.359 m2 tại thị trấn Bần Yên Nhân (huyện Mỹ Hào). Tuy vậy, một phần lô đất này đã được cho thuê, đang gặp khó khăn trong việc thu hồi, dẫn đến phải thuê luật sư để khởi kiện.

Tại TP. Vinh (Nghệ An), HEC Corp đang quản lý diện tích 4.606,7 m2 tại số 100 - Mai Hắc Đế, đặt trụ sở của HEC16. Tại Bắc Ninh, Tổng công ty có 2.905 m2, làm trụ sở của HEC15. Tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa), Tổng công ty có 507 m2, đặt văn phòng đại diện tại số 52 - Đống Đa, phường Tân Lập.

Rõ ràng, xét về lĩnh vực kinh doanh chính, thì triển vọng kinh doanh của HEC Corp được đánh giá thiếu khả năng đột phá, thậm chí ngày càng chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn từ các doanh nghiệp tư nhân mạnh. Tuy nhiên, cổ phiếu của HEC Corp vẫn được đánh giá có sức hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư lớn, bởi Tổng công ty đang quản lý hàng ngàn mét vuông “đất vàng” tại nhiều tỉnh, thành phố lớn, đem đến triển vọng chuyển đổi, khai thác cho lĩnh vực bất động sản.

Tin liên quan
Tin khác