RCEP được cho là một trong những thỏa thuận thương mại lớn nhất trên thế giới, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và 10 nước ASEAN. |
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế RCEP lần thứ 7 diễn ra trong khuôn khổ chuỗi Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 51 (AEM 51) và các hội nghị liên quan từ ngày 3 - 10/9 tại BangKok, Thái Lan.
Các Bộ trưởng và Trưởng đoàn phụ trách kinh tế, thương mại của 10 quốc gia ASEAN và 6 nước đối tác đã khẳng định cam kết kết thúc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào cuối năm nay và tiến tới ký kết vào 2020.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit cho biết, các bộ trưởng của 16 nước đã đồng ý rằng đàm phán nên sớm được hoàn tất và kết quả đàm phán sẽ được công bố tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại Bangkok vào tháng 11/2019.
Cụ thể, Ủy ban Đàm phán Thương mại RCEP (RCEP-TNC) sẽ có cuộc họp tại Đà Nẵng của Việt Nam vào các ngày 19 - 27/9 và việc ký kết RCEP dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2020.
Theo ông Jurin, các nước ASEAN và các đối tác trong các cuộc đối thoại đã nhất trí linh hoạt trong nhiều lĩnh vực, trong đó có tiếp cận thị trường, dịch vụ và đầu tư, để các cuộc đàm phán có thể được kết thúc. Căn cứ vào tình hình thương mại toàn cầu, một khi được thành lập RCEP sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư, đồng thời tăng cường phát triển kinh tế bền vững cho tất cả 16 quốc gia.
Hiện nay, các nhà đàm phán từ 16 quốc gia đã kết thúc đàm phán được 7 trong số 20 chương, bao gồm hải quan và thuận lợi hóa thương mại, mua sắm nhà nước, hợp tác kinh tế và kỹ thuật, và các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
13 chương còn lại liên quan đến nhiều vấn đề từ thương mại điện tử tới cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, viễn thông và mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ và đầu tư.
RCEP là một trong những thỏa thuận thương mại lớn nhất trên thế giới, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và 10 nước ASEAN, với quy mô thị trường lên tới 3,5 tỷ dân, chiếm gần 30% GDP toàn cầu.
RCEP cũng là một hiệp định thương mại kết nối 2 quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ; cũng là lần đầu tiên kết nối hai nền kinh tế lớn nhất châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản.
Các cuộc đàm phán về RCEP bắt đầu từ tháng 11/2012 với mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế giữa ASEAN và sáu quốc gia mà Hiệp hội đã ký hiệp định thương mại tự do là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và New Zealand.
Đặc biệt, RCEP có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đang nhập siêu khá lớn từ khu vực này. Khi RCEP được ký kết và đi vào hiệu lực, nguồn nguyên liệu sản xuất doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ các nước trong khối ASEAN và 6 nước cộng thêm cũng sẽ được xem như là nguồn nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm sang các nước có ký kết hiệp định song phương, đa phương với Việt Nam.