Trước thực trạng nguồn cung lợn hơi đã vượt xa nhu cầu tiêu dùng trong nước, dẫn tới giá thịt lợn hơi lao dốc, chỉ còn khoảng 20.000 đồng/kg, gây thua lỗ nặng cho người chăn nuôi và khó khan trong việc tiêu thụ, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) đã có thư ngỏ kêu gọi các doanh nghiệp hội viên đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn.
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch AVR: "Xuất phát từ thực tiễn vô cùng bức thiết của ngành chăn nuôi, với vai trò là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động trên cơ sở tự nguyện, phi lợi nhuận, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hội viên để cùng nhau xây dựng và phát triển lĩnh vực dịch vụ bán lẻ thành hệ thống bán lẻ Việt Nam có uy tín trong toàn quốc và trên trường quốc tế, AVR kêu gọi các doanh nghiệp hội viên chung tay tháo gỡ những khó khăn trước mắt của ngành hàng này".
AVR đề nghị Các doanh nghiệp hội viên ưu tiên tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong nước, triển khai chương trình khuyến mãi, giảm giá đối với các sản phẩm thịt lợn trên toàn quốcđể tăng sức mua trong nước và tìm cách xuất khẩu |
Căn cứ vào lĩnh vực hoạt động, quy mô và năng lực tiêu thụ, AVR đề nghị các doanh nghiệp hội viên kinh doanh, chế biến thực phẩm có kế hoạch chủ động, tăng cường thu mua, tổ chức giết mổ cấp đông thịt lợn, dự trữ cho các tháng sắp tới.
Các doanh nghiệp hội viên ưu tiên tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong nước, triển khai chương trình khuyến mãi, giảm giá đối với các sản phẩm thịt lợn trên toàn quốc để tăng sức mua trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước có tiềm năng.
Đồng thời có các giải pháp và phương án phối hợp với các trang trại, cơ sở chăn nuôi và cơ sở giết mổ để giảm bớt khâu trung gian, giảm giá thành và giảm giá bán sản phẩm thịt lợn.
AVR cũng đề nghị các doanh nghiệp hội viên chú trọng, tăng cường công tác bảo quản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thường xuyên, cập nhật giá theo tình hình biến động của thị trường và linh hoạt điều chỉnh tương ứng để có thể tiêu thụ lượng lớn thịt lợn, giúp bảo vệ lợi ích người chăn nuôi cũng như đảm bảo giá bán ra là tốt nhất, có lợi nhất cho người tiêu dùng, tích cực tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến, đưa ra giải pháp trước mắt cũng như lâu dài đối với ngành chăn nuôi.
“AVR rất mong nhận được sự đồng hành của các doanh nghiệp hội viên với ngành chăn nuôi trong giai đoạn khó khăn hiện nay, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào việc xây dựng hệ thống bán lẻ Việt Nam có uy tín tại thị trường nội địa nói riêng và góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam nói chung”, bà Đinh Thị Mỹ Loan nhấn mạnh.
Tại cuộc họp khẩn tiếp tục tìm các giải pháp cấp bách và lâu dài để tháo gỡ câu chuyện đầu ra và giải bài toán lợn hơi rớt giá do Bộ Công thương tổ chức chiều ngày 27/4/2017, các ý kiến đều cho rằng nguyên nhân cốt lõi nhất dẫn đến những khó khăn trong tiêu thụ của ngành chăn nuôi lợn thời gian qua là do các hộ nông dân tăng đàn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bất chấp các cảnh báo rủi ro từ Bộ Công thương.
Vì lẽ đó, khiến nguồn cung thịt lợn nội địa vượt quá nhu cầu trong nước. Khi Trung Quốc tăng cường giám sát, phòng chống hoạt động nhập khẩu hàng hóa (trong đó có lợn sống) trái phép qua biên giới đất liền, hoạt động xuất khẩu lợn sống qua biên giới phía Bắc sang Trung Quốc ngay lập tức bị ảnh hưởng, càng gây sức ép lên giá thịt lợn trong nước.