Ngân hàng
Hiệp hội Ngân hàng: Nhà mạng thu phí cao nhưng tràn lan lỗ hổng bảo mật
H.T - 03/11/2021 09:53
Các ngân hàng thương mại bức xúc vì nhà mạng thu phí tin nhắn cao gấp 3 lần cước tin nhắn thông thường, trong khi bảo mật kém, để xảy ra tràn lan tin nhắn lừa đảo ngân hàng.
Các ngân hàng "tố" nhà mạng thu phí cao cắt cổ nhưng thiếu trách nhiệm vá lỗ hổng bảo mật

Cước tin nhắn cao, thiếu minh bạch

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay, lấy lý do mang tính bảo mật, mức giá cước nhà mạng đang thu đối với tin nhắn dịch vụ ngân hàng hiện cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường.

Từ khi dịch bệnh xảy ra từ đầu năm 2020 đến nay, ngành ngân hàng đã hy sinh 27.000 tỷ đồng tiền lãi để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, miễn giảm phí dịch vụ với số tiền 1.800 tỷ đồng, chi an sinh xã hội 3.400 tỷ đồng để chung tay chia sẻ với người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bản thân ngành ngân hàng cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ do Covid-19, nhất là nguy cơ nợ xấu gia tăng đang dần hiện hữu. Tuy nhiên, trong khi ngành ngân hàng tích cực hỗ trợ khách hàng thì lại không nhận được sự hỗ trợ nào.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đại diện cho tiếng nói của các tổ chức hội viên đã 4 lần gửi tới Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị chỉ đạo quyết liệt nhà mạng thực hiện nghiêm túc việc giảm phí cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, song đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ các doanh nghiệp viễn thông đối với đề nghị giảm phí.

“Trong bối cảnh khó khăn, chịu tác động chung của đại dịch, việc các doanh nghiệp đồng hành và chia sẻ cùng nhau là hết sức có ý nghĩa. Việc giảm phí tin nhắn giúp các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong phục hồi sản xuất và ổn định đời sống sau đại dịch”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết.

Hiện mức giá cước nhà mạng đang thu đối với tin nhắn dịch vụ ngân hàng cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường, cụ thể, các nhà mạng thu từ trên dưới 800 đồng/tin nhắn, trong khi cước phí tin nhắn của các nhà mạng này với khách hàng cá nhân chỉ từ 99 - 350 đồng/tin nhắn. Ước tính sơ bộ, một tổ chức tín dụng cỡ nhỏ hàng tháng phải trả phí cước cho 15 - 20 triệu tin nhắn/tháng, còn các tổ chức tín dụng tầm trung trở lên là 50 - 80 triệu tin nhắn/tháng.

Như vậy, với số lượng tổ chức tín dụng, số lượng dịch vụ tin nhắn và mức giá như trên, thì chi phí cho dịch vụ tin nhắn đang là “gánh nặng” khá lớn nhất là trong bối cảnh ngành Ngân hàng liên tục kêu gọi các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lương giảm thưởng để giảm lãi, giảm phí, cơ cấu nợ tạm chưa thu lãi... cho khách hàng.

Không chỉ thu cước phí quá cao mà theo ông Hùng, căn cứ tính phí của các nhà mạng đang có nhiều điểm cần làm rõ và minh bạch. Nhà mạng lấy lý do để thu phí tin nhắn với ngân hàng cao gấp 3 lần tin nhắn thông thường là vì đầu tư cho bảo mật.

Tuy nhiên, thực tế, tình trạng lừa đảo qua tin nhắn giả mạo thương hiệu của các ngân hàng gửi từ nhà mạng vẫn liên tục xuất hiện làm ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin của người dân vào tính an toàn trong giao dịch số với ngân hàng.

Cước tin nhắn SMS chưa tương xứng chất lượng dịch vụ

Thời gian qua, chiêu trò giả mạo tin nhắn SMS Brandname (tin nhắn định danh thương hiệu, là tin nhắn không hiển thị số thuê bao mà chỉ hiện tên các thương hiệu đã được đăng ký và xét duyệt từ các công ty viễn thông (nhà mạng) diễn ra tràn lan. Nhiều vụ việc kẻ gian giả mạo tin nhắn SMS Brandname để dụ đăng nhập vào website không an toàn hòng đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tài sản. Do tin nhắn gửi trùng tên ngân hàng, nhiều người nghĩ rằng nhận được cảnh báo của ngân hàng nên truy nhập vào đường link giả mạo trên và bị lừa hàng trăm triệu đồng.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), thời gian vừa qua nhiều thuê bao di động nhận được các tin nhắn mạo danh các tổ chức tài chính, ngân hàng gửi các nội dung giả mạo, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của người dân. Qua xác minh, đánh giá cho thấy các tin nhắn giả mạo này không xuất phát từ hệ thống của các tổ chức tài chính, ngân hàng mà được phát tán thông qua các thiết bị phát sóng di động giả mạo.

Đây là các thiết bị có nguồn gốc từ nước ngoài, được các đối tượng mua bán, sử dụng trái phép nhằm mục đích thực hiện các cuộc tấn công phát tán tin nhắn rác lừa đảo người dùng, đặc biệt là người dùng tại các khu vực đô thị.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, các ngân hàng trả phí cao cho các nhà mạng cung cấp dịch vụ SMS Brandname thì phải nhận được chất lượng dịch vụ tương xứng. Nhà mạng thu phí cao thì pharii có trách nhiệm với tin nhắn giả mạo ngân hàng, phải phối hợp với các ngân hàng “vá lỗ hổng” dịch vụ tin nhắn SMS nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống tài chính tiền tệ.

Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, chất lượng tin nhắn của nhà mạng chưa tương xứng, Hiệp hội ngân hàng khuyến khích các tổ chức tín dụng thay vì sử dụng tin nhắn của nhà mạng thì sử dụng thông tin biến động số dư ngay trên ứng dụng OTT ngân hàng và cung cấp mã bảo mật smart OTP ngay trên các ứng dụng này nhằm tiết giảm chi phí hoạt động.

Tin liên quan
Tin khác