Y tế - Sức khỏe
Hiểu đúng về hậu Covid-19 ở trẻ em
D.Ngân - 23/03/2022 09:28
Theo các chuyên gia, tỷ lệ tử vong ở trẻ mắc Covid-19 không cao so với người lớn, song ảnh hưởng không nhỏ và lâu dài đến thể chất, tinh thần trẻ hậu nhiễm.

Nói về các mức độ bệnh của trẻ khi mắc Covid-19, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Trần Minh Điển cho hay, Sars-Cov-2 xâm nhập vào hô hấp, do đó, trẻ mắc Covid-19, biểu hiện bệnh qua đường hô hấp là rõ ràng nhất. 

Theo các chuyên gia, tỷ lệ tử vong ở trẻ mắc Covid không cao so với người lớn, song ảnh hưởng không nhỏ và lâu dài đến thể chất, tinh thần trẻ hậu nhiễm.

Trẻ sẽ sốt kèm ho, nghẹt mũi, chảy mũi, có thể có triệu chứng ở đường tiêu hóa, như mắc ói, nôn ói, tiêu chảy, đau bụng. Một số trường hợp có biểu hiện phát ban, đỏ mắt.

Hội chứng hậu Covid-19 phổ biến nhất ở trẻ em đa phần cũng liên quan đến đường hô hấp, như ho nhiều, ho kéo dài, cảm giác nặng ngực, hụt hơi, khó thở. 

Một số trẻ bị đau ngực, nhịp tim không đều, cảm giác mệt khi gắng sức do các bệnh lý liên quan đến tim mạch, thường gặp là viêm cơ tim. 

Ngoài ra, trẻ cũng bị giảm sức chịu đựng về thể chất, dễ mệt hơn bình thường ngay cả khi không có bệnh lý ở tim, hô hấp; trẻ cũng giảm sự tập trung, dễ quên hơn bình thường, đau đầu và viết chữ xấu hơn.

Riêng biểu hiện mất khứu giác, vị giác trẻ em ít gặp hơn người lớn. Theo một số báo cáo, mất vị giác, khứu giác thường gặp ở trẻ lớn hơn trẻ nhỏ, có thể do trẻ nhỏ chưa có khả năng diễn tả được cảm giác của mình. Tình trạng này thường sẽ khỏi sau vài tuần.

Một tình trạng y tế hiếm gặp nhưng nghiêm trọng liên quan đến Covid-19 ở trẻ em được y khoa thế giới gọi là hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C). 

Đây là một biến chứng hiếm gặp nhưng rất nặng, ảnh hưởng rất nhiều cơ quan trong cơ thể và có thể gây tử vong, trẻ cần phải được nhập viện sớm để điều trị.

TS. Tạ Anh Tuấn, Trưởng Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, Viêm đa hệ thống (MIS-C) hậu Covid-19 thường xảy ra sau khi em bé bị mắc Covid-19 từ 2-6 tuần lễ.

Biểu hiện lâm sàng của trẻ là sốt cao liên tục, phát ban, rối loạn tiêu hóa, nếu nặng hơn có thể gặp các biến chứng tim mạch, sốc…nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây tử vong.

Theo TS.Tạ Anh Tuấn, với những trẻ có tiền sử đã mắc covid, hoặc tiếp xúc với người mắc covid-19, sống trong vùng dịch, khi có các triệu chứng như sốt cao liên tục trên 24h; nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc; phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân; rối loạn tiêu hóa: nôn, đau bụng, tiêu chảy; có thể gặp dấu hiệu sốc, rối loạn đông máu, tổn thương thận cấp…

“Nếu trẻ được chẩn đoán sớm, phát hiện sớm và điều trị đúng, kịp thời thì diễn tiến thường thuận lợi, trẻ phục hồi tốt. Tuy nhiên, trẻ cũng có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời”, TS.Tuấn cho hay.

Không ít trẻ có tâm lý mặc cảm, tự ti sau mắc Covid. Một biểu hiện khác ở trẻ khiến phụ huynh lo lắng là khó tập trung, không ghi nhớ và hiểu được kiến thức giáo viên giảng dạy, chữ viết xấu...

Toàn bộ biểu hiện này rất cần được theo dõi, đánh giá sớm và can thiệp kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của trẻ.

Nhằm ứng phó với hậu Covid-19 ở trẻ chuyên gia khuyến cáo phụ huynh cần theo dõi sát các biểu hiện bất thường để đưa trẻ đi khám ngay khi cần thiết. 

Trẻ sau khi mắc Covid-19 có thể có tình trạng "não sương mù" làm trẻ suy nghĩ chậm, giảm trí nhớ và thiếu tập trung. Trẻ cần thời gian nhiều hơn để học và nhớ bài. 

Do đó, trẻ cần hỗ trợ về mặt tâm lý từ phụ huynh và thầy cô để vượt qua khó khăn trong học tập, tránh tâm trạng lo lắng bi quan. 

Trẻ nên tập thể dục nhẹ nhàng, tăng lên dần chứ không quá sức khiến trẻ dễ mệt và sẽ từ chối hoạt động. Từ sự hỗ trợ về tinh thần và thể chất, dần dần trẻ sẽ quay trở về nhịp sống bình thường.

Gia đình có trẻ mắc Covid-19 không được chủ quan, ngay cả khi trẻ chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tuyệt đối không cho trẻ sử dụng thuốc mà chưa có chỉ định của bác sĩ.

Về sử dụng thuốc điều trị Covid-19, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, thuốc kháng đông, kháng viêm chỉ được chỉ định sử dụng khi trẻ nhập viện.

Và thuốc kháng đông dành cho trẻ là dạng sử dụng đường tiêm, không phải là thuốc uống của người lớn. Nếu cho trẻ sử dụng thuốc kháng đông dạng uống của người lớn thì "lợi bất cập hại".

Ngoài ra, sau khi trẻ khỏi bệnh, âm tính ít nhất 2-3 tuần, người nhà cần theo dõi sát, đi khám khi có các biểu hiện bất thường về thể chất hay tinh thần; thậm chí tiếp tục theo dõi đến tận 2-3 tháng sau đó. 

Cũng theo chuyêng gia, các bậc phụ huynh cần đồng hành cùng bé trong những hoạt động tại nhà như vận động phù hợp, chơi thể thao, hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện tử như tivi, máy tính điện thoại, có chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý...

Cách tốt nhất để ngăn ngừa hội chứng hậu Covid-19 ở trẻ là ngăn ngừa trẻ mắc Covid-19 bằng cách tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ theo khuyến cáo, nếu trẻ được tiêm chủng các biến chứng của bệnh sẽ giảm đi, đặc biệt là các biến chứng của MIS-C.

Hạn chế cho trẻ đến những nơi đông đông người. Đeo khẩu trang cho trẻ ở những nơi công cộng và xung quanh những người mà trẻ sống cùng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước rửa tay. Đồng thời cha mẹ nên khuyến khích trẻ vận động, chơi thể thao, nghỉ ngơi hợp lý. Bổ sung dinh dưỡng hợp lý cho trẻ.

Tin liên quan
Tin khác