Quyết định 41 đã mở hướng đi rất thoáng cho những doanh nghiệp nhà nước hiện còn những khoản đầu tư tại các công ty cổ phần chưa niêm yết |
Quyết định trên quy định rõ một số nội dung về thoái vốn của doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ tại công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch.
Theo đó, việc bán cổ phần theo lô phải thực hiện đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán trên cơ sở phương án bán theo lô được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Bán cổ phần theo lô có thể chia thành nhiều lô khác nhau khi đấu giá tùy theo số lượng cổ phần và tình hình thị trường, nhưng mỗi một phiên đấu giá chỉ bán một lô cổ phần (trọn lô). Số lượng cổ phần của một lô không thấp hơn 5% vốn điều lệ của công ty cổ phần. Trường hợp bán chỉ định (không qua Sở Giao dịch chứng khoán) thì thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Có thể nói, Quyết định 41 đã mở hướng đi rất thoáng cho những doanh nghiệp nhà nước hiện còn những khoản đầu tư tại các công ty cổ phần chưa niêm yết.
Lý do là trước đây khi chưa có quy định về bán cổ phần theo lô, với các công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên sàn Upcom, việc thoái vốn trong nhiều trường hợp đã bị “mắc kẹt” vì nhiều lý do khác nhau.
Mắc là vì doanh nghiệp quản lý vốn khi thoái vốn phải thực hiện đấu giá công khai, nhưng thực tế có nhiều trường hợp doanh nghiệp phải đấu giá nhiều lần, nhưng vẫn không bán hết cổ phần, gây mất thời gian và tốn kém nhiều chi phí. Trong nhiều trường hợp, nhà đầu tư tham gia đấu giá quá manh mún, phân tán, dẫn đến hiệu quả đấu giá không cao, không tạo chuyển biến đáng kể cho công ty cổ phần phát triển sau khi Nhà nước thoái vốn.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đánh giá rằng, với quy định mới, một số trường hợp không thành công có thể đấu giá lại ngay tại chỗ, không phải tổ chức lại. Trường hợp vẫn không bán được thì cũng có quy trình xử lý thuận tiện hơn với trước kia. Việc tổ chức đấu giá cũng có quy chế rõ ràng hơn, dưới sự giám sát của nhiều bên; thời gian công bố thông tin kéo dài trước đấu giá đến 20 ngày để đủ cho nhà đầu tư tìm hiểu thông tin, chuẩn bị nguồn vốn...
Quyết định 41 được ban hành có thể coi như một “nhịp cầu” kết nối giữa doanh nghiệp nhà nước có nhu cầu thoái vốn với các nhà đầu tư, bởi nhà đầu tư trong nước và nước ngoài được mua cổ phần với số lượng không hạn chế; các nhà đầu tư tham gia đấu giá mua cổ phần theo lô theo quy định tại quyết định này cũng không phải thực hiện chào mua công khai theo quy định của pháp luật. Điều này đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường, góp phần đẩy nhanh việc cổ phần hóa, thoái vốn và nâng cao hiệu quả bán vốn nhà nước.
Tới đây, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước ban hành Quy chế mẫu bán đấu giá cổ phần theo lô. Đây sẽ là văn bản quan trọng để cụ thể hóa các nội dung trong Quyết định 41, qua đó góp phần tạo sân chơi rộng mở và minh bạch hơn cho doanh nghiệp cùng nhà đầu tư.