Tiêu dùng
Hiệu quả từ các mô hình sản xuất rau hữu cơ
Linh Nguyễn - 16/12/2024 16:12
Tại Hà Nội, nhiều mô hình trồng rau hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân ổn định thu nhập, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.

Để đáp ứng nguồn cung thực phẩm an toàn cho hơn 10 triệu dân Thủ đô, thời gian qua, Hà Nội đã quy hoạch 12.000 ha rau, phân bố ở 22 quận, huyện, thị xã với 151 vùng sản xuất rau tập trung; sản lượng khoảng gần 700.000 tấn/năm, đáp ứng 70% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Hầu hết diện tích rau xanh đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới sản xuất hữu cơ.

Hiện nay, Hà Nội có một số mô hình tiêu biểu như: sản xuất rau hữu cơ tại xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn), mô hình rau công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng), trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất) hay Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Liên tại phường Cự Khối (quận Long Biên). 

Các sản phẩm từ những mô hình này được phân phối rộng rãi qua các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch như Sói Biển, Bác Tôm, siêu thị Unimart, Winmart... Rau hữu cơ có đầu ra ổn định với mức giá bán buôn dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, cao hơn so với nhiều loại rau an toàn khác.

Hợp tác xã Rau hữu cơ xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Nguyễn Quang

Bà Hoàng Thị Hậu, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ cao và kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, sản phẩm của hợp tác xã đạt chất lượng vượt trội. Hiện, hợp tác xã duy trì hợp đồng tiêu thụ với 12 công ty và 45 điểm bán hàng tại Hà Nội, cung cấp ra thị trường gần 1.000 tấn rau, củ, quả mỗi năm, mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, 18 sản phẩm của hợp tác xã đã được UBND Thành phố công nhận đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) giúp việc tiêu thụ trở nên thuận lợi hơn.

Theo bà Lưu Thị Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, các mô hình sản xuất rau hữu cơ giúp đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Để khai thác tối đa tiềm năng, thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, ứng dụng chế phẩm sinh học và phân bón hữu cơ vào sản xuất. Đồng thời, cần quy hoạch quỹ đất đủ lớn tại những khu vực đảm bảo điều kiện về đất, nước, không khí để mở rộng diện tích canh tác hữu cơ.

UBND Thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 220/KH-UBND ngày 15/8/2022, đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt 515 ha diện tích trồng rau hữu cơ trên toàn Thành phố. Trong đó, 138 ha sẽ được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ và 377 ha thuộc diện tích canh tác chuyển đổi. Thành phố cũng hướng tới sản xuất hữu cơ kết hợp ứng dụng công nghệ cao, phát huy kiến thức bản địa, xây dựng chuỗi giá trị bền vững.

Để hiện thực hóa mục tiêu, ngành nông nghiệp sẽ tập trung phát triển các mô hình sản xuất theo quy trình kỹ thuật tiên tiến, kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt và đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế về nông nghiệp hữu cơ. Các địa phương cũng cần xây dựng kế hoạch hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp từ cơ sở hạ tầng, tập huấn kỹ thuật đến xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Bà Hằng cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, ngoài việc duy trì sản xuất trên 5.000 ha đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Hà Nội sẽ mở rộng thêm từ 3.000 đến 4.000ha rau an toàn với giá trị sản xuất đạt 30 0- 500 triệu đồng/ha/năm. Thời điểm này, hầu hết các địa phương trọng điểm về rau đang tập trung chăm sóc để cung cấp cho thị trường Thủ đô dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Năm nay với phương châm mở rộng tối đa diện tích cây vụ Đông vừa ngắn ngày, xen lẫn dài ngày để bù đắp thiệt hại cho nông dân do bão số 3 gây ra. Hơn 35.000 ha đã được bà con nông dân các huyện, thị ngoại thành Hà Nội triển khai trồng ngay sau bão sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô dịp cuối năm.

Tin liên quan
Tin khác