Cổ đông lớn ACB muốn chốt lời 46 triệu cổ phiếu ACB
Cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu giảm sâu trong phiên chiều 7/10 sau thông báo bất ngờ của hai cổ đông Asia Reach Investments Limited và First Burns lnvestments Limited. Hai quỹ do Dragon Capital quản lý này lần lượt đăng ký bán ra 13,7 triệu cổ phiếu và 32,9 triệu cổ phiếu chỉ ít hôm sau khi ACB niêm yết và đưa vào giao dịch bổ sung gần 500 triệu cổ phiếu mới phát hành từ đợt chia cổ tức (5/10).
Ước tính theo mức giá đóng cửa hôm nay (23.400 đồng/cổ phiếu), hai quỹ trên có thể thu về 1.100 tỷ đồng. Sau giao dịch, Asia Reach Investments Limited vẫn còn giữ 54,3 triệu cổ phiếuvà First Burns lnvestments Limited nắm 53,5 triệu cổ phiếu. Đến cuối năm 2019, Asia Reach Investments Limited, First Burns lnvestments Limited cùng Dragon Financial Holdings Limited sở hữu hơn 14% vốn điều lệ. Trừ đi phần cổ phiếu hai quỹ dự định bán, khối lượng nắm giữ của nhóm có liên quan này sẽ giảm xuống 11,9% vốn của ngân hàng.
Hai quỹ ngoại trên đã chi 2.440 tỷ đồng mua 74,6 triệu cổ phần ACB hồi tháng 10/2017 từ một quỹ ngoại khác với mức giá thời điểm đó khoảng 32.700 đồng/cổ phiếu. Sau các đợt chi trả cổ tức, giá cổ phiếu ACB sau điều chỉnh là 15.350 đồng/cổ phiếu. Tỷ suất lợi nhuận sau tròn 3 năm đầu tư vào cổ phiếu ACB lên tới 58%, nếu hai quỹ có thể chốt lời ở mức giá đóng cửa hôm nay.
Với room nước ngoài luôn đầy, lượng cổ phiếu này có thể là miếng bánh hấp dẫn với khối ngoại. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng nguồn cung tăng đột biến tiếp tục tác động lên tâm lý nhà đầu tư, nhất là khi giá cổ phiếu đã leo tăng 30% chỉ trong hai tháng.
ACB cũng là tổ chức niêm yết có quy mô vốn hóa thị trường lớn nhất trên sàn Hà Nội. Đà tăng của ACB thời gian qua cũng là động lực chính kéo HNX-Index đạt mức tăng ấn tượng trong quý III/2020 (21,1%).
Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên cả ba sàn chứng khoán
Việc giá cổ phiếu ACB giảm 2,5% trong phiên hôm nay cũng là nguyên nhân khiến HNX-Index giảm 1,64 điểm (-1,19%) xuống còn 136,13 điểm. Đây cũng là mức giảm sâu nhất kể từ cú rơi hồi cuối tháng 7 vì ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Trong khi đó, chỉ số chung sàn HoSE tăng 4,05 điểm (+0,44%) lên 919,72 điểm. VN-Index vẫn giữ được sắc xanh dù số lượng mã cổ phiếu giảm giá là 158 cổ phiếu cũng khá áp đảo so với 134 cổ phiếu tăng giá và 79 cổ phiếu đi ngang. Các cổ phiếu của doanh nghiệp có vốn hóa lớn gồm Masan, Vietcombank, PV Gas, Sabeco… là nhưng trụ cột chính đẩy VN-Index tăng. VN-Index phiên hôm nay đã có lúc vọt lên 923,5 điểm.
HNX-Index giảm do động thái chốt lời của cổ đông ACB |
Không chỉ thăng hoa về giá, thanh khoản trên HoSE phiên giao dịch hôm nay cũng tăng lên 8.784,5 tỷ đồng, cao hơn phiên 2/10 và là mức cao nhất từ phiên 10/9. Trong đó, giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE đạt 7.879 tỷ đồng, tăng 7,86% so với phiên trước.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 193 tỷ đồng trên sàn HOSE; 1,67 tỷ đồng trên HNX và 69 tỷ đồng trên UPCoM. Trong đó, cổ phiếu VNM của Vinamilk tiếp tục bị bán ròng mạnh nhất (hơn 100,4 tỷ đồng), cổ phiếu VIB cũng bị bán ra 1,34 triệu cổ phiếu với giá trị xấp xỉ 45 tỷ đồng.
Khối ngoại chốt lời VIB sau khi cổ phiếu này đã tăng gần 70% trong hai tháng, tăng 4% chỉ riêng phiên hôm nay. VIB vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE. Đây cũng là động lực tăng của nhiều cổ phiếu như VIB, SHB, VCG thời gian qua.