Thời sự
Hồ Chí Minh - Người kiến tạo văn hóa tương lai
PGS-TS Lê Quý Đức - 18/05/2020 07:09
Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, chúng ta cùng suy ngẫm về Người với tư cách là kiến trúc sư - người kiến tạo văn hóa tương lai của dân tộc Việt Nam và góp phần vào sự phát triển đa dạng văn hóa của nhân loại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy Ô tô 1/5, lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành công nghiệp Hà Nội (19/12/1963).

Là kiến trúc sư của nền văn hóa dân tộc, Hồ Chí Minh không chỉ là nhà tư tưởng về văn hóa, mà còn là nhà thực hành văn hóa và trên hết, Người còn là một nhân cách văn hóa, kết tinh các phẩm chất cao đẹp của dân tộc trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai.

Điều đó đã được các nhà nghiên cứu, nhà chính trị, chính khách và các tổ chức quốc tế khẳng định sau khi Người qua đời suốt mấy thập kỷ vừa qua, đúng như dự báo của nhà thơ, nhà báo Nga Ô-xíp Man-đen-xtam qua một cuộc tiếp xúc với Người vào tháng 12/1923 tại Mát-xcơ-va: “Cả diện mạo của Nguyễn Ái Quốc toát lên sự lịch thiệp và tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải như văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai…”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và nền văn hóa dân tộc

Từ khi văn hóa trở thành mối quan tâm của con người, thành đối tượng của các khoa học xã hội và nhân văn, đã có hàng trăm định nghĩa về văn hóa. Song quan niệm của Hồ Chí Minh về văn hóa đều được các nhà khoa học xã hội và nhân văn tìm thấy hạt nhân hợp lý ở trong đó. Bởi với quan niệm của mình, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: nguồn gốc, bản chất đặc trưng, cơ cấu và chức năng của văn hóa đối với đời sống con người.

Người cho rằng: “Vì lẽ sống còn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật, các công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của một phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người sản sinh ra nhằm thích ứng với những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.

Như vậy, nguồn gốc duy vật của văn hóa, theo Hồ Chí Minh, là do hoạt động thực tiễn xã hội của con người sáng tạo và phát minh ra hay “đã sản sinh ra”. Bản chất của văn hóa chính là năng lực sáng tạo - năng lực bản chất người, con người, do con người tạo nên và tích lũy trong hoạt động thực tiễn.

Đặc biệt là khi Hồ Chí Minh đứng trên quan điểm, mục đích luận và chức năng luận đã chỉ ra vai trò, chức năng to lớn của văn hóa: văn hóa sinh ra để làm gì? Văn hóa là “phương thức sinh hoạt” giúp cho con người “thích ứng với nhu cầu đời sống” và giúp con người thích ứng với môi trường sống của mình. Văn hóa được sáng tạo ra để phục vụ mục đích cao cả của con người “vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống”, đó là mục đích cao cả và tối thượng mang tính nhân văn sâu sắc. Từ đó, Hồ Chí Minh đã chỉ ra đặc trưng của văn hóa, giúp người ta nhận biết cái gì là văn hóa, cái gì không phải là văn hóa.

Trước hết, văn hóa mang tính nhân sinh (do con người sáng tạo ra để phục vụ con người).

Thứ hai, văn hóa mang tính lịch sử (được sáng tạo, tích lũy, bồi đắp và chọn lựa trong lịch sử của nhân loại).

Thứ ba, văn hóa mang tính hệ thống, bao gồm những yếu tố tinh thần và vật chất có quan hệ hữu cơ với nhau (ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, văn hóa, nghệ thuật… các công cụ sinh hoạt và cả phương thức sử dụng).

Thứ tư, văn hóa mang tính giá trị, tức là văn hóa là cái cần thiết cho con người, có ý nghĩa to lớn với con người và con người khát khao vươn tới.

Thứ năm, văn hóa mang tính nhân văn sâu sắc (như đã phân tích ở trên), văn hóa đáp ứng nhu cầu sinh tồn của con người…

Có lẽ phải nhìn từ nhiều chiều cạnh của các khoa học xã hội và nhân văn, chúng ta mới thấy hết được giá trị học thuật của quan niệm về văn hóa của Hồ Chí Minh, đóng góp cho Khoa Nhân loại học văn hóa và Xã hội học văn hóa hiện đại.

Trong kho tàng tư tưởng Hồ Chí Minh về con người, xã hội và văn hóa, người ta không thấy Người đưa ra một quan niệm cụ thể về “nền văn hóa dân tộc”, song qua sự chỉ dẫn của Người về các “điểm lớn” xây dựng nền văn hóa dân tộc, chúng ta ý thức được nền văn hóa bao hàm những thành tố nào:

1. Xây dựng tâm lý: lý cách, tinh thần độc lập tự cường.

2. Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng.

3. Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội.

4. Xây dựng chính trị: dân quyền.

5. Xây dựng kinh tế.

Từ góc nhìn xã hội học văn hóa, Hồ Chí Minh đã chỉ ra cơ cấu nội dung của một nền văn hóa dân tộc bao gồm 3 bộ phận cơ bản.

Thứ nhất là văn hóa tinh thần: gồm có yếu tố tâm lý, lý cách (theo nghĩa rộng), luân lý đạo đức của con người, xã hội…

Thứ hai là văn hóa tổ chức xã hội: gồm các yếu tố tư tưởng và thực hành chính trị - xã hội.

Thứ ba là văn hóa sản xuất và sinh tồn: bao gồm kinh tế và phúc lợi.

Đây được xem là một khung lý thuyết chung có tính tổng thể về một nền văn hóa dân tộc cần phải được xây dựng đồng bộ; các bộ phận của nó quan hệ hữu cơ và tác động lẫn nhau. Nếu chỉ quan tâm xây dựng một hoặc hai bộ phận nào đó, còn một hoặc hai bộ phận khác không chú ý đầy đủ, thì nền văn hóa tương lai của dân tộc chưa hình thành.

Lý thuyết này của Hồ Chí Minh đã đi trước thời đại, chỉ rõ vì sao trong đời sống xã hội của nước ta hiện nay lại có hiện tượng: chính trị, kinh tế phát triển đạt những thành tựu to lớn, nhưng văn hóa chưa phát triển tương xứng. Nhiều hiện tượng tiêu cực xuất hiện (tham nhũng, lãng phí, suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống…), chúng ta cho đó là hạn chế của ngành hay bộ phận văn hóa, tư tưởng. Điều đó tuy đúng, song chưa thật chính xác. Với cách nhìn tổng thể của Hồ Chí Minh, chúng ta cần thấy rằng, trong giai đoạn đổi mới vừa qua, các yếu tố của “nền” văn hóa đã có bước phát triển (cả văn hóa vật chất - sinh tồn, văn hóa tổ chức - quản lý xã hội và văn hóa tinh thần), nhưng các yếu tố đó chưa hoàn thiện, nên “nền” văn hóa tương lai chưa được khẳng định. Nhiều khi chúng ta mới xây dựng “nền” văn hóa dân tộc một cách phiến diện, chỉ nói đến xây dựng bộ phận văn hóa tinh thần (tư tưởng), đạo đức, lối sống và văn chương, nghệ thuật, giải trí…). Còn các bộ phận khác của nền văn hóa dân tộc chưa được đề cập tới, chưa được gắn kết với nhau và với bộ phận văn hóa tinh thần, nên bộ phận văn hóa tinh thần không phát triển được và tổng thể “nền” văn hóa dân tộc hay “một xã hội văn hóa cao”, nói như Hồ Chí Minh, chưa thực sự thành hình là như vậy. Nói cách khác, để có “nền” văn hóa dân tộc, thì các lĩnh vực chính trị, kinh tế, tinh thần phải được xây dựng và phát triển đồng bộ, hay như Hồ Chí Minh cho rằng, trong việc “kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề: chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa (nghĩa hẹp - N.V) cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau” và cần phải gắn kết chặt chẽ với nhau thành một tổng thể - đó chính là “nền” văn hóa dân tộc.

Lễ hội Đền Hùng, nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam ngàn năm văn hiến.

Quan niệm về nội dung xây dựng “nền” văn hóa Việt Nam

Trên đây, chúng ta đã nói đến khung vấn đề “năm điểm lớn xây dựng nền văn hóa dân tộc”. Tất nhiên, cần làm rõ nội dung của từng “điểm lớn” mới thấy rõ tư tưởng văn hóa của Hồ Chí Minh một cách đầy đủ và sâu sắc. Vì khuôn khổ bài báo, chúng tôi xin giới thiệu sơ lược tư tưởng của Người về các điểm đó, theo cấu trúc của một nền văn hóa.

Thứ nhất là xây dựng văn hóa tinh thần mà yếu tố cốt lõi là tư tưởng và đạo đức, Hồ Chí Minh gọi đó là “tâm lý, lý cách” và “luân lý”. Đối với văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam từ trong truyền thống hàng ngàn năm đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc, thì “tinh thần độc lập, tự cường” là phẩm chất hàng đầu, phẩm chất số một của nền văn hóa. Nó vừa là điều kiện tiền đề, là giá đỡ cho việc xây dựng đời sống dân tộc, nền văn hóa dân tộc; vừa là khát vọng của dân tộc, vừa là mục tiêu, động lực tinh thần mà dân tộc hướng tới.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng bộc bạch rằng: “Tôi chỉ một một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Tinh thần độc lập, tự cường dân tộc gắn với tinh thần yêu nước, thương dân và ý thức xây dựng đất nước giàu mạnh “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như mong ước của Người để lại trong Di chúc. Đạo đức là yếu tố cốt lõi của văn hóa tinh thần, là cái gốc của người cách mạng để xây dựng văn hóa và xây dựng con người thì không thể không kiến tạo phẩm chất đạo đức.

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông,

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc,

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

Thiếu một mùa không thành trời.

Thiếu một phương không thành đất.

Thiếu một đức không thành người”.

Hồ Chí Minh nhắc lại và tán đồng quan điểm Khổng Tử rằng, “Người không liêm không bằng súc vật”, đó là một tín lý vô cùng sâu sắc. Người yêu cầu Đảng phải là đại diện tiêu biểu cho dân tộc, cho nhân dân, người dẫn dắt sự nghiệp xây dựng đất nước và nền văn hóa dân tộc phải “là đạo đức, là văn minh” là như vậy.

Thứ hai là xây dựng văn hóa tổ chức - quản lý xã hội. Tuy Người nói hết sức cô đọng “Xây dựng chính trị: Dân quyền”, song nội dung tư tưởng này rất rộng lớn và sâu sắc. Về mặt thể chế tổ chức, quản lý xã hội là một thể chế tiến bộ: dân chủ và pháp quyền, đề cao quyền làm chủ của nhân dân, mọi quyền lực thuộc về nhân dân, cơ chế thực hành quyền lực là cơ chế dân chủ, tôn trọng pháp quyền. Ngay từ khi còn hoạt động cách mạng để đòi lại độc lập cho dân tộc, Hồ Chí Minh đã ao ước vươn tới một nền văn hóa, văn minh tiến bộ cho dân tộc:

“Bảy xin hiến pháp ban hành, Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.

Người đề cao sức mạnh của pháp quyền, nó không chỉ là công cụ quản lý xã hội của người cầm quyền, mà nó là khế ước với xã hội mà người cầm quyền cũng phải tuân theo. Có như vậy mới có một xã hội mới thực sự dân chủ, văn minh và mới có một nền văn hóa tiến bộ và nhân văn “tất cả vì con người”.

Thứ ba là xây dựng văn hóa vật chất sinh tồn. Vấn đề này, Hồ Chí Minh cũng đã đề cập một cách ngắn gọn và thực tế “Xây dựng kinh tế” và “Mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân”. Người không tách rời kinh tế “đời sống vật chất” ra khỏi văn hóa, mà coi đó là một nhiệm vụ, một nội dung của việc xây dựng “nền” văn hóa dân tộc, hơn nữa xây dựng kinh tế là xây dựng tiền đề vật chất, cái tốt vật chất của nền văn hóa”. Vì sao không nói phát triển văn hóa và kinh tế? Tục ngữ ta có câu: “Có thực mới vực được đạo”, vì thế kinh tế phải đi trước… Nhưng phát triển kinh tế để làm gì? Phát triển kinh tế và văn hóa để nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân ta, “làm cho đời sống của nhân dân vui tươi và lành mạnh”.

Với một vài nét sơ lược có tính điểm luận trên đây, chúng ta thấy được tư tưởng Hồ Chí Minh về kiến tạo “nền” văn hóa dân tộc hết sức sâu sắc, phong phú và mới mẻ. Đó là sự sâu sắc mà mới mẻ về lý luận kiến tạo nền văn hóa (thế nào là một “nền” văn hóa) và phù hợp với nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” của dân tộc Việt Nam trong tương lai. Vì vậy, có thể khẳng định, quan điểm, tư tưởng văn hóa của Hồ Chí Minh vừa mang bản sắc dân tộc (đề cao văn hóa, có bản lĩnh, bản sắc văn hóa - Bình Ngô Đại Cáo - Nguyễn Trãi), vừa mang tinh thần của thời đại: xây dựng nền văn hóa tiến bộ, hiện đại và nhân văn. Đây chính là “nền văn hóa của tương lai” ở Việt Nam như Ô-xip Man-đen-xtam dự báo.

Biểu tượng văn hóa dân tộc - Hồ Chí Minh và bài học cho chúng ta hiện nay

Trước hết, suy ngẫm về Chủ tịch Hồ Chí Minh như là biểu tượng, như là hiện thân hay là sự kết tinh của văn hóa dân tộc Việt Nam truyền thống và hiện đại. Về điều này, chúng tôi cho rằng, đã có hàng trăm nhà nghiên cứu khoa học, nhà chính trị, xã hội trên thế giới và Việt Nam đã đề cập trong các bài báo, các chuyên luận, các văn kiện, các hội thảo. Do vậy, chúng tôi chỉ xin trích dẫn và bình luận thêm về một số ý kiến tiêu biểu của họ để minh họa.

Ở Việt Nam, các nhà chính trị, lãnh đạo cao cấp như Tổng Bí thư Lê Duẩn, Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà sử học Trần Văn Giàu… đã đánh giá và khẳng định Hồ Chí Minh đã đóng góp to lớn cho văn hóa dân tộc và là hiện thân của nền văn hóa dân tộc.

Trong lời chào mừng Hội thảo quốc tế “Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn” do Việt Nam tổ chức (Nhân kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của Người), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đánh giá: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị anh hùng lớn nhất trong lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, là hiện thân của văn hóa dân tộc và nhân loại”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại cho rằng: “Sự nghiệp văn hóa quan trọng nhất của Người là đã lãnh đạo toàn dân đánh đuổi giặc ngoại xâm trong thời đại mới, giành lại cho nhân dân những quyền sống của con người, một cuộc sống có văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần cùng loài người loại trừ một trở lực to lớn trên con đường tiến lên thế giới văn minh, xóa đi một vết nhơ trong lịch sử là chế độ thuộc địa”.

Về con người Hồ Chí Minh - một biểu tượng văn hóa Việt Nam hòa quyện với văn hóa nhân loại - sau đây là những nhận xét sâu sắc của Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam và nhân loại, với ý nghĩa đầy đủ nhất của danh hiệu Nhà văn hóa. Ở Hồ Chí Minh, nhà văn hóa lớn gắn liền với nhà nhân văn lớn, phát huy truyền thống của một dân tộc văn hiến”.

Như vậy, con người hay thân thế, sự nghiệp văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh là rất cao cả, đẹp đẽ, kết tinh các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam và tích hợp các giá trị văn hóa tiến bộ, nhân văn, nhân bản của nhân loại.

Vấn đề tiếp theo chúng ta cần suy ngẫm là quan niệm, tư tưởng của Hồ Chí Minh về văn hóa cho chúng ta bài học gì và vận dụng như thế nào vào công cuộc xây dựng văn hóa, phát triển đất nước trong bối cảnh đổi mới và hội nhập hiện nay.

Bài học trước tiên là cần hiểu biết thấu đáo các khái niệm được coi là “văn hóa” nói chung, chẳng hạn “văn hóa”, “nền văn hóa”, “công tác văn hóa” hay “lĩnh vực văn hóa”... Bởi không có sự phân biệt rõ ràng, chúng ta sẽ không đưa ra được những quan điểm, chủ trương về văn hóa một cách đúng đắn và phù hợp.

Gần đây, chúng ta nói đến “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, song trong quan điểm chỉ đạo và các nhiệm vụ để xây dựng nền văn hóa, chúng ta lại chỉ hướng vào xây dựng lĩnh vực (bộ phận) văn hóa tinh thần và thậm chí còn thu hẹp hơn, khi đưa ra giải pháp, chúng ta lại nhắm tới lĩnh vực hoạt động, công tác của ngành văn hóa - thông tin. Vì vậy, có nhiều người cho rằng, việc “xây dựng nền văn hóa” là nhiệm vụ của riêng ngành văn hóa - thông tin (sự lầm lẫn này cũng xuất hiện trong chính ngành văn hóa - thông tin). Từ đó dẫn đến việc chỉ đạo chưa đồng bộ sự nghiệp “xây dựng nền văn hóa dân tộc” (như Hồ Chí Minh quan niệm).

Trong lĩnh vực kinh tế (hay văn hóa vật chất - sinh tồn), chúng ta để xảy ra tham nhũng, lãng phí rất lớn; trong lĩnh vực xã hội (hay văn hóa tổ chức - quản lý xã hội), chúng ta để xảy ra những hiện tượng tiêu cực như bạo lực học đường, gây rối trật tự xã hội…; trong các tổ chức chính trị có tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng phi chính thống, phi quan phương. Từ đó dẫn đến những hạn chế trong việc đánh giá tình hình xã hội: hạn chế thứ nhất là cho rằng, các hiện tượng tiêu cực: tham nhũng, lãng phí, suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống… là khuyết điểm hay thiếu sót của chỉ riêng lĩnh vực công tác văn hóa, tư tưởng (có khi của ngành văn hóa, tư tưởng); hạn chế thứ hai là chúng ta tách rời một cách giản đơn các lĩnh vực, các bộ phận của “nền văn hóa dân tộc” khi cho rằng, trong đời sống xã hội hiện nay, chính trị, kinh tế có sự phát triển đạt được các thành tựu to lớn, còn văn hóa thì chưa phát triển tương xứng. Cách nói như vậy nghe thoáng qua có vẻ đúng, song nếu từ quan niệm tổng thể của Hồ Chí Minh về “xây dựng nền văn hóa dân tộc”, thì chưa đúng về logic và bản chất vấn đề.

Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam và nhân loại, với ý nghĩa đầy đủ nhất của danh hiệu Nhà văn hóa. Ở Hồ Chí Minh, nhà văn hóa lớn gắn liền với nhà nhân văn lớn, phát huy truyền thống của một dân tộc văn hiến.

Bài học thứ hai từ quan niệm, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và xây dựng nền văn hóa, chúng tôi cho rằng, thực chất “năm điểm xây dựng nền văn hóa dân tộc” của Hồ Chí Minh là nói đến xây dựng một xã hội mới “xã hội văn hóa cao”, mà ngày nay gọi là “xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh” với 8 đặc trưng mà Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung và phát triển năm 2011) đã chỉ ra. Đây chính là sự vận dụng đúng đắn và phù hợp của Đảng đối với tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn xây dựng văn hóa và phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay. Trong đó bao chứa rất nhiều giá trị mà chúng ta cần phải tiếp thu và phát triển:

- Giá trị “độc lập, tự cường” trong tâm lý, lý cách mà Hồ Chí Minh chỉ ra. Để xây dựng nền văn hóa và phát triển đất nước, ngoài việc phát huy giá trị độc lập thì giá trị “tự cường” là giá trị cơ bản, cần thiết nhất trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

- Giá trị “phúc lợi” gắn với giá trị “hạnh phúc”: cần quan tâm tới hạnh phúc của con người và xã hội. Giá trị hạnh phúc là tiêu chí đánh giá sự phát triển có tính nhân văn của các quốc gia trong thời đại ngày nay, nó là sự tích hợp của mọi tiêu chí khác. Hồ Chí Minh cho rằng “Nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì”.

- Giá trị “dân quyền” là giá trị phổ quát của thời đại dân chủ, là khát vọng của nhân dân ta, vì vậy, cần phải xây dựng thể chế dân chủ thực sự và thực chất của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, để kiến tạo nền văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” hay xã hội dân chủ, văn minh.

- Giá trị kinh tế (tức là xây dựng nền kinh tế mới) - bộ phận quan trọng của lĩnh vực văn hóa, vật chất, sinh tồn, cái cốt vật chất của nền văn hóa dân tộc. Trong hoàn cảnh cạnh tranh và hợp tác quốc tế hiện nay, trong điều kiện nền kinh tế nước ta chưa phát triển, thì vấn đề sống còn là có phát triển được kinh tế hay không, “tồn tại hay không tồn tại”.

- Giá trị “biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng”, hay là giải quyết đúng đắn mối quan hệ lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội là một động lực, một nguyên tắc xây dựng các quan hệ người trong một “liên hiệp mới”, “mỗi người vì mọi người và mọi người vì mỗi người” để hình thành một nền văn hóa dân tộc với đặc trưng dân chủ, công bằng và văn minh”… Đây là những giá trị văn hóa cốt lõi mà Hồ Chí Minh đã khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác