Tài chính - Chứng khoán
Họ dầu khí học cách IR chuyên nghiệp
Hoàng Nam - 05/03/2019 20:01
Được xem là cầu nối nhằm nâng cao giá trị cho doanh nghiệp với các nhà đầu tư nhưng hoạt động quan hệ cổ đông (IR) tại nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa được chú trọng đúng mức.

Sếp dành 30% thời gian cho IR

Nhận xét, “các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao Báo cáo thường niên của nhiều doanh nghiệp trong họ dầu khí”, nhưng ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc phát triển quan hệ và đối ngoại Quỹ Đầu tư Dragon Capital cũng cho hay, các doanh nghiệp nói chung cần có sự phân loại nhà đầu tư để thực hiện các hoạt động IR một các chuyên nghiệp.

“Tại các công ty quốc tế, người đứng đầu thường dành khoảng 20-30% thời gian cho công tác tiếp xúc các nhà đầu tư và hoạt động IR, trong khi tại nhiều doanh nghiệp Việt Nam, hoạt động IR hiện vẫn là bị động, việc công bố thông tin mới là làm theo luật định”, ông Phạm Nguyễn Vinh nói và cho hay, IR không thể tách rời công tác quản trị bởi sự gắn kết này giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu lớn, tạo ra những giá trị dài hạn cho cổ đông.

“Chất lượng quan hệ nhà đầu tư không chỉ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Mặc dù hoạt động IR đóng vai trò hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp, không chỉ trước mắt mà cả về dài hạn, nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp chưa có sự quan tâm đúng mức tới hoạt động này…” cũng là nhận xét của TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư tại cuộc Toạ đàm “Hoạt động quan hệ cổ đông doanh nghiệp ngành dầu khí” với sự tham gia của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cùng nhiều doanh nghiệp dầu khí đã cổ phần hóa và niêm yết trên sàn chứng khoán.

Nói về tình hình chung, ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho hay, một số năm trở lại đây, các vi phạm về minh bạch thông tin, mà cụ thể là vi phạm về báo cáo, công bố thông tin đã giảm rõ rệt trong tổng số các vi phạm hành chính trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, công tác IR tại nhiều doanh nghiệp còn hạn chế. Chất lượng báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp chưa cao, doanh nghiệp chưa chủ động công khai tiến độ sử dụng vốn, về quản trị…

Báo cáo thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN trong giai đoạn 2013-2017 được ông Vinh chia sẻ cũng cho thấy, Việt Nam có số điểm trung bình thấp nhất. Một trong những điểm yếu khiến cho điểm số của Việt Nam thấp là bởi đây là hoạt động quốc tế và điểm chấm được xét trên các bản báo cáo bằng tiếng Anh. “Nhiều thông tin được lấy qua website, qua sàn giao dịch và chấm điểm bàng tiếng Anh. Như vậy, doanh nghiệp dù có thể làm tốt các báo cáo này bằng tiếng Việt nhưng tiếng Anh không tốt thì cũng không được đánh giá cao”, ông Vinh chia sẻ kinh nghiệm.

IR chuyên nghiệp nâng tầm giá trị

Theo ông Điền, nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí đã tích cực triển khai hoạt động IR, nên đã góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín và giá trị của doanh nghiệp trong con mắt của nhà đầu tư.

PVN sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực chính, tạo mở cơ hội cho nhiều nhà đầu tư  vào điện, dịch vụ dầu khí 

Thay mặt lãnh đạo PVN, Thành viên HĐTV Đinh Văn Sơn đã đánh giá cao chất lượng của buổi tọa đàm sẽ mang lại hiệu quả thiết thực đối với các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn trong quá trình tái cấu trúc cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Theo ông Sơn, buổi Tọa đàm “Hoạt động quan hệ cổ đông doanh nghiệp ngành Dầu khí” là dịp dể PVN và các doanh nghiệp thành viên nhìn nhận lại, đánh giá lại công tác IR và PR của chính mình, lắng nghe các ý kiến chuyên gia để qua đó tìm ra các giải pháp, tháo gỡ các vướng mắc cho hoạt động IR hiện tại và định hướng lập kế hoạch, triển khai kế hoạch này trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp dầu khí cũng được xem là rất hấp dẫn nhà đầu tư khi xuất hiện trên sàn chứng khoán. Đầu năm 2018, PVN đã cổ phần hóa thành công 3 doanh nghiệp lớn là Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) và Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), gây tiếng vang lớn trên thị trường cũng như nhận được rất nhiều sự quan tâm của giới đầu tư trong nước cũng như ngoài nước.

Dẫu vậy, trong thời gian tới, các doanh nghiệp này cũng phải vượt qua nhiều thách thức không nhỏ để tiếp tục thu hút được các cổ đông chiến lược, cổ đông lớn cũng như nâng cao giá trị của mình trong mắt các cổ đông và nhà đầu tư.

Trước đó, từ năm 2012, theo đề án Tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước, định hướng trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, PVN đã xây dựng kế hoạch tái cấu trúc và tập trung vào 5 lĩnh vực chính là: thăm dò khai thác dầu khí; lọc - hóa dầu; công nghiệp khí; công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao.

Đến nay, PVN đã đạt được những bước tiến đáng kể trong tiến trình tái cấu trúc phù hợp với xu thế phát triển trong điều kiện thực tế là việc thăm dò khai thác dầu khí ngày càng khó khăn mà nhu cầu năng lượng của đất nước ngày càng tăng cao.

Hiện PVN đã trình cấp thẩm quyền phê duyệt Đề án tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 với việc chỉ còn tập trung vào 3 lĩnh vực chính là thăm dò khai thác dầu khí; lọc - hóa dầu; công nghiệp khí. Chính bởi lẽ đó, việc cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp “họ dầu khí” sẽ còn diễn ra sôi động trong thời gian tới, đòi hỏi công tác IR cũng rất chuyên nghiệp để nâng tầm giá trị của doanh nghiệp.

Tin liên quan
Tin khác