- Hồ Kênh Hạ bị "xẻ thịt", trách nhiệm thuộc về ai? - Bài 1: Rút dự án, vẫn còn "phép" hoạt động
- Khánh Hòa: Nhiều vướng mắc pháp lý tại Dự án Khu biệt thự Quốc Anh
- Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra các dự án BT sân bay Nha Trang
- "Ôm" phí bảo trì chung cư 10 năm, Công ty Sông Đà Nha Trang bị kiến nghị điều tra
Nhưng, thay vì được bảo vệ và giữ gìn, hồ Kênh Hạ lại bị “xẻ thịt” để thực hiện dự án kinh doanh du lịch dưới dạng liên doanh, liên kết trái quy định. Đáng nói là, dù dự án đã bị thu hồi giấy phép, nhưng hoạt động du lịch trên bờ và dưới hồ Kênh Hạ vẫn diễn ra… bình thường. Sự việc này một lần nữa cho thấy những kẽ hở, nhức nhối trong công tác quản lý dự án, đất đai tại địa phương.
Dự án Tái hiện Căn cứ Đồng Bò có tổng diện tích 25 ha, được đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh Khánh Hòa |
Bài 2: Dùng tài sản công để liên doanh, liên kết trái quy định
Khu đất được đầu tư hàng chục tỷ đồng với mục tiêu xây dựng, tái hiện Căn cứ Đồng Bò thành bảo tàng sống, để giáo dục truyền thống cách mạng, tuy nhiên lại được liên doanh... trái quy định.
Cuộc “chuyển biến” kỳ lạ
Ngày 27/5/2008, ông Lê Xuân Thân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (lúc đó) đã ký Quyết định phê duyệt Dự án Tái hiện Căn cứ Đồng Bò, do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh làm chủ đầu tư. Mục tiêu của Dự án là xây dựng, tái hiện Căn cứ Đồng Bò thành bảo tàng sống, để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Tổng diện tích của Dự án là 25 ha, mức đầu tư hơn 11,2 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh. Nhưng Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa sau đó đã phê duyệt quyết toán Dự án với vốn đầu tư lên đến hơn 21,1 tỷ đồng.
Ngày 12/3/2014, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa lập Biên bản tạm bàn giao mặt bằng khu đất và tài sản trên đất, thuộc Căn cứ Đồng Bò cho Công ty TNHH Hải Đăng. Biên bản do Đại tá Lê Văn Bình, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh (Bên A) và ông Lê Xuân Thơm, Giám đốc Công ty TNHH Hải Đăng (Bên B) ký, thống kê và mô tả khá chi tiết một loạt công trình đã xây dựng, cùng 25 ha đất được giao thực hiện Dự án Tái hiện Căn cứ Đồng Bò.
Kết luận buổi làm việc, ông Thiệu giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo việc bóc tách phần đất quốc phòng ra khỏi Dự án. Do Dự án chưa hoàn thành, nên UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Văn hóa và Thể thao sau khi nhận bàn giao, khẩn trương xây dựng hồ sơ, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xếp hạng di tích; đồng thời tiến hành quản lý, sửa chữa, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích.
Những nội dung trên, ông Thiệu yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thành vào cuối tháng 9/2021, để bàn giao tài sản Dự án Tái hiện Căn cứ Đồng Bò lại cho Sở Văn hóa, Thể thao
quản lý. Ông Thiệu cũng yêu cầu Công ty TNHH Hải Đăng không tiếp tục thực hiện các hạng mục trong khu vực di tích của Dự án Tái hiện Căn cứ Đồng Bò.
Sáu ngày sau (ngày 17/3/2014), UBND tỉnh Khánh Hòa mới tổ chức cuộc họp do ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh (lúc đó) chủ trì và ngay ngày hôm sau, Văn phòng UBND tỉnh ra Thông báo kết luận số 117 về việc thực hiện đầu tư xã hội hóa mở rộng, khai thác Khu di tích Căn cứ chiến khu Đồng Bò.
Thông báo này cho biết, tại cuộc họp, sau khi nghe Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh báo cáo và ý kiến của các phó chủ tịch UBND tỉnh, các sở, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng kết luận: “Để đầu tư xây dựng, tạo thành quần thể du lịch văn hóa về nguồn hoàn chỉnh, kết hợp du lịch, UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho phép Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh liên kết với Công ty Hải Đăng thực hiện đầu tư xã hội hóa Khu di tích Căn cứ chiến khu Đồng Bò. Về ranh giới, UBND tỉnh yêu cầu không được xâm phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi chứa nước hồ Kênh Hạ…”.
Sau hơn 1 năm Chỉ huy trưởng (cũ) Lê Văn Bình ký Biên bản bàn giao Dự án cho Công ty TNHH Hải Đăng, ngày 15/4/2015, Đại tá Ngô Quang Trung, Chỉ huy trưởng (mới) mới ký với ông Lê Xuân Thơm bản Hợp đồng số 215 “liên kết khai thác Khu di tích Căn cứ chiến khu Đồng Bò”.
Hợp đồng này có 12 điều, với nội dụng: “Bên A đồng ý dùng quyền quản lý khu đất, tài sản đầu tư trên đất tại Khu di tích Căn cứ chiến khu Đồng Bò… để liên kết hợp tác với Công ty TNHH Hải Đăng”…, “Bên B góp vốn bằng chính nguồn lực của mình để đầu tư mở rộng và khai thác kinh doanh du lịch sinh thái…”. Hình thức kinh doanh: “Bên A liên kết bằng cơ sở hạ tầng đầu tư trên đất và lợi thế khu đất của Dự án…; Bên B góp vốn bằng chính nguồn lực của mình để đầu tư mở rộng và khai thác kinh doanh du lịch sinh thái”… Thời hạn liên kết là 25 năm. Tại điểm 1, Điều 12 của Hợp đồng số 215 có nêu: “Trong thời gian bên A chưa giao cho bên B đất và tài sản đầu tư trên đất, thì bên A tạo điều kiện thuận lợi để bên B được triển khai công tác chuẩn bị đầu tư”…
Làm rõ trách nhiệm
Văn bản số 8992 ngày 31/8/2020 của UBND tỉnh Khánh Hòa do ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ký nhấn mạnh, việc triển khai Dự án Tái hiện Căn cứ Đồng Bò là chủ trương đúng đắn, là sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhằm mục tiêu xây dựng thành một bảo tàng sống để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Nhưng đáng tiếc là, “…công trình chưa được nghiệm thu, hoàn thành đưa vào sử dụng, nhưng ngày 12/3/2014, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã ký biên bản tạm bàn giao mặt bằng khu đất và tài sản trên đất khu Tái hiện Căn cứ Đồng Bò với Công ty TNHH Hải Đăng khi chưa có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh là chưa đúng quy định, vì đến năm 2015, thì 2 bên mới ký hợp đồng chính thức”, theo Văn bản số 8992.
UBND tỉnh Khánh Hòa tại văn bản này cũng chỉ ra rằng: “Thời gian hoàn thành và đưa công trình đi vào sử dụng là 31/12/2014, nhưng đến ngày 15/11/2017, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh mới trình hồ sơ quyết toán là chậm trễ 32 tháng, vi phạm Thông tư số 09/2016/TT-BTC ngày 18/1/2016 của Bộ Tài chính về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước”.
Xét thấy việc UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa là cơ quan nhà nước liên doanh, liên kết với Công ty TNHH Hải Đăng kinh doanh du lịch là chưa đúng quy định tại khoản 2, Điều 16, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (năm 2008), nên UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, xử lý.
“Đối với ông Lê Văn Bình, nguyên Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh (đã nghỉ hưu) thuộc thẩm quyền quản lý của Quân khu V và Bộ Quốc phòng. Do đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh xem xét, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cán bộ có liên quan đến việc liên doanh hợp tác giữa Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Công ty TNHH Hải Đăng, báo cáo UBND tỉnh. Còn liên quan đến việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với ông Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét và có hình thức kỷ luật”, Văn bản số 8992 ngày 31/8/2020 của UBND tỉnh Khánh Hòa do ông Nguyễn Tấn Tuân ký nêu rõ.
Tại văn bản trên, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn (Sở Tài chính, Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh…) tham mưu hoàn thiện hồ sơ, đề nghị Bộ Tài chính điều chuyển tài sản về địa phương quản lý.
Về vấn đề này, theo hồ sơ mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được, trước đó, vào ngày 24/8/2018, UBND tỉnh Khánh Hòa có Văn bản số 8729, giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh giao tài sản Dự án Tái hiện Căn cứ Đồng Bò cho Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa quản lý, sử dụng.
Đến ngày 19/9/2018, Sở Tài chính có Văn bản số 3837 về việc bàn giao tài sản dự án, trong đó có nội dung: “Tài sản Dự án Tái hiện lại Căn cứ Đồng Bò đang giao Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa quản lý và sử dụng, nên Sở Tài chính kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh lập hồ sơ gửi cơ quan cấp trên để đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quyết định điều chuyển tài sản. Sau khi có quyết định điều chuyển tài sản, Sở Tài chính tiếp tục tham mưu UBND tỉnh việc giao tài sản cho Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa. Ngày 1/10/2018, UBND tỉnh Khánh Hòa có Công văn số 10034, thống nhất với đề xuất của Sở Tài chính và giao Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh lập hồ sơ đề nghị điều chuyển tài sản. Đến nay, Sở Tài chính chưa nhận được quyết định điều chuyển tài sản của Bộ trưởng Bộ Tài chính nên chưa có ý kiến tham mưu”.
Ngày 23/8/2019, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 có Văn bản số 1139 gửi Bộ Quốc phòng cho biết, Dự án Tái hiện Căn cứ Đồng Bò có giá trị quyết toán hơn 21,1 tỷ đồng. Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 20, Nghị định số 151 của Chính phủ, tài sản dự án này do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa quản lý và sử dụng. Vì vậy, việc điều chuyển thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa tại Văn bản số 1805 ngày 15/5/2019 gửi Bộ Tư lệnh Quân khu 5 ngày 15/5/2019 đã nêu lý do xin điều chỉnh tài sản như sau: “Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, thì Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa không được liên doanh, hợp tác Dự án Tái hiện căn cứ Đồng Bò với Công ty TNHH Hải Đăng. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị phải bàn giao Dự án cho Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hòa (thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa). Tài sản về đất, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa cho rằng, khu đất này không phải là đất quốc phòng và không do Bộ Chỉ quy quân sự tỉnh quản lý, mà hiện nay, UBND TP. Nha Trang quản lý. Do vậy mà không điều chuyển tài sản về đất”.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Xuân Thơm, Giám đốc Công ty TNHH Hải Đăng dù cũng thừa nhận, việc liên kết làm Dự án Tái hiện Căn cứ Đồng Bò là không đúng, nhưng vẫn cho biết: “Bây giờ tôi vẫn đang làm theo hợp đồng, đón các đoàn khách tham quan”. Khi được hỏi về tiến trình điều chuyển tài sản này đã được thực hiện đến đâu, ông Thơm lắc đầu, vì “đó là chuyện của các cấp lãnh đạo”.