- Chính sách hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 lần 2: Bao quát toàn diện, đảm bảo đa mục tiêu
- Hơn 6.600 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng vì Covid-19
- Đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ tăng hỗ trợ cho người dân tham gia BHXH
- TP.HCM: Đề xuất gói hỗ trợ thứ 2 cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Câu hỏi hỗ trợ ai, ngành nào vào lúc này cần được đánh giá khoa học, thiết thực, thay vì cảm xúc đơn thuần.
Do Covid-19, nhiều thương hiệu lớn, quản trị tốt, có chiến lược kinh doanh bài bản cũng điêu đứng. Ảnh: Đ.T |
Vẫn tìm kiếm cơ hội thị trường mới
Phú Thái Mobility vừa khai trương showroom dòng xe thể thao và địa hình hạng sang tại phố Lê Văn Lương (Hà Nội). Đây là nhà nhập khẩu và phân phối mới và duy nhất của thương hiệu Jaguar và Land Rover tại Việt Nam kể từ tháng 10/2019 và là một trong những công ty thành viên của Tập đoàn Phú Thái.
Đây chỉ là một phần trong kế hoạch của Phú Thái Mobility trong năm nay. Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái chia sẻ, một showroom quy mô lớn đang được xây dựng tại quận Long Biên (Hà Nội) và kế hoạch đẩy mạnh mảng phân phối sản phẩm, dịch vụ hạng sang của Tập đoàn vẫn được thực hiện.
“Covid-19 có tác động tới chúng tôi không? Có, nhưng doanh nghiệp vẫn tự lo liệu được, chưa bị lỗ, chưa phải trông vào các gói hỗ trợ, thậm chí vẫn tìm kiếm cơ hội thị trường mới. Tôi tin là nhiều doanh nghiệp vẫn đang xoay xở được, ngay cả các doanh nghiệp chịu tác động lớn nhất là hàng không, du lịch, khách sạn…”, ông Đoàn nói.
Thực tế, từ khoảng giữa tháng 6 đến giữa tháng 7, khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng đáng kể, các hãng hàng không hối hả trở lại, nhiều đường bay nội địa ngay lập tức được nối lại, thậm chí mở mới tới 22 đường bay nội địa như Vietnam Airlines.
Tương tự, nhiều khách sạn, nhà hàng, khu du lịch đã đông đúc trở lại vào thời gian này nhờ các gói giảm giá, kích cầu du lịch từ chính các nhóm doanh nghiệp trong ngành.
Thậm chí, khi Tập đoàn Alphanam và FLC quyết định bắt tay bằng một thỏa thuận hợp tác chiến lược được ký vào tuần trước, thì cả hai đều nằm trong nhóm ngành, lĩnh vực bị đứt gãy tiếp tục bởi Covid-19.
Ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Alphanam cho rằng, chính giai đoạn này, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp là tất yếu. “Mục tiêu là chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, qua đó đưa thương hiệu Việt Nam vươn tầm quốc tế”, ông Hải nói.
Chọn người sẽ thắng hay người đang thua?
Sẽ không có một bức tranh kinh doanh thực sự sáng sủa trong năm nay, ngay cả với các doanh nghiệp quản trị tốt, có chiến lược kinh doanh bài bản… Thậm chí, trong danh sách doanh nghiệp lỗ nặng, sẽ có những thương hiệu lớn…
“Lỗi do dịch bệnh, không phải do năng lực điều hành, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp này, chỉ cần được hỗ trợ để tồn tại qua giai đoạn hiện nay, họ sẽ bứt tốc, kéo theo sự hồi phục nhanh của nhiều doanh nghiệp khác”, ông Đoàn nói.
Trong các đề xuất ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp tốt, ông Đoàn có hàm ý khi nhắc tới các thương hiệu tốt của Việt Nam bị bán đi vì không đủ tài chính hoạt động… “Tôi tin là không khó xác định doanh nghiệp nào tốt, doanh nghiệp nào không. Nếu các cơ quan quản lý nhà nước cần sự minh bạch, có thể mời các chuyên gia độc lập tham gia đánh giá để thực hiện ngay các giải pháp hỗ trợ, chứ không thể mãi là kế hoạch”, ông Đoàn khuyến nghị.
Đây cũng là điều mà TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) mong muốn, khi các kế hoạch về gói hỗ trợ tiếp theo đang được đặt ra bàn bạc. Ông Cung cho rằng, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp không phải để cứu các doanh nghiệp hấp hối, không phải chỉ nhìn trong vòng 6 tháng tới.
“Tôi biết nhiều người đặt câu hỏi có ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa không, có ưu tiên doanh nghiệp sắp phải đóng cửa không… Nhưng lúc này, phải nhìn vào thực tế là chúng ta không đủ nguồn lực để cứu toàn bộ doanh nghiệp, cũng không nên cứu doanh nghiệp yếu kém và cũng không có cách nào cứu được. Nguồn lực hỗ trợ cần phải dành cho các doanh nghiệp sẽ ở bên thắng cuộc sau khi dịch bệnh qua đi”, ông Cung khuyến nghị.
Không phải đơn giản để đưa ra phương án này, nhất là khi đa phần doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh còn thấp. Thậm chí, nhiều chuyên gia không muốn nhắc tới những con số ngày càng tăng trong danh mục doanh nghiệp đóng cửa, ngừng hoạt động, bởi đi cùng với đó sẽ là số phận của hàng ngàn, chục ngàn người lao động…
“Tôi đề nghị tiếp tục gói hỗ trợ trực tiếp người dân, như giai đoạn I, còn gói hỗ trợ doanh nghiệp phải tính lại theo hướng hỗ trợ để thúc đẩy sự hồi phục, tăng trưởng trong những năm tới, thúc đẩy mô hình kinh doanh mới, sáng tạo mới, hơn là vì các con số hiện tại. Các nhà hoạch định chính sách cũng cần dũng cảm đánh giá thực trạng xác thực để chọn các ưu tiên hỗ trợ phù hợp yêu cầu phát triển của nền kinh tế”, ông Cung nói.
Nhưng với các doanh nghiệp thực sự tốt, ông Cung tin rằng, họ cần hơn cả là cơ chế chính sách rõ ràng, thực thi tốt, môi trường kinh doanh minh bạch.
Nhóm ngành phân phối, xây dựng, kinh doanh bất động sản, dịch vụ công cộng, bán lẻ… cũng sẽ mất ít nhất 3 năm để hồi phục.
Tuy nhiên, có nhiều ngành được cho là sẽ hiệu quả hơn ngay trong giai đoạn dịch bệnh, như ngành bán dẫn, dược, phần mềm, sản phẩm phục vụ nhu cầu cá nhân…