PGS-TS. Nguyễn Thường Lạng (Trường đại học Kinh tế quốc dân) bày tỏ quan điểm về ý tưởng xây dựng các chính sách hỗ trợ tư nhân lớn.
PGS-TS. Nguyễn Thường Lạng (Trường đại học Kinh tế quốc dân). |
Liên quan đến đề xuất cần phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân lớn, nhiều ý kiến cho rằng, không cần thiết phải hỗ trợ đối tượng này, thay vào đó là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quan điểm của ông thế nào?
Chúng ta đã có cả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với rất nhiều chính sách, nhưng nếu không có các chính sách đặc biệt, đủ sức nặng để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân lớn thì biết đến bao giờ Việt Nam mới có các thương hiệu doanh nghiệp tầm cỡ khu vực và thế giới. Thương hiệu một quốc gia được đo bằng chính thương hiệu doanh nghiệp. Khi Việt Nam không có thương hiệu nổi tiếng thế giới thì thương hiệu quốc gia không thể cao được.
Đó là đề cập khía cạnh chính trị. Còn khía cạnh kinh tế, dù Việt Nam thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng theo Sách trắng về doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê công bố năm 2021, doanh nghiệp tư nhân chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp, nhưng phân nửa là bị lỗ, số doanh nghiệp có lãi chỉ chiếm 42,6%, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô từ vừa trở lên.
Mặc dù chiếm số lượng áp đảo, nhưng doanh thu thuần của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chỉ chiếm 17,6%; doanh nghiệp vừa chiếm chưa đến 10% trong tổng doanh thu của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Trong đợt Covid-19 năm 2020 và 2021, cũng như mỗi khi địa phương nào đó bị thiên tai, bão lũ, cần sự hỗ trợ, giúp đỡ thì chính doanh nghiệp lớn đóng góp nhiều nhất. Như vậy, rõ ràng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân lớn có hiệu quả hơn rất nhiều cả ở khía cạnh chính trị, lẫn kinh tế - xã hội.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện cả nước có khoảng 17.370 doanh nghiệp lớn, chiếm 2,6% tổng số doanh nghiệp. Không thể hỗ trợ toàn bộ doanh nghiệp này, thưa ông?
Tất nhiên là không thể hỗ trợ toàn bộ, mà phải lựa chọn theo các tiêu chí rõ ràng để tránh việc “xin-cho” và phải có điều kiện cụ thể. Một khi được hỗ trợ, giúp đỡ thì anh phải có nghĩa vụ ngược trở lại.
Hiện đã có quy định, tiêu chí phân biệt doanh nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp vừa (Nghị định 80/2021/NĐ-CP) căn cứ vào số lượng lao động và doanh thu hoặc tổng nguồn vốn. Những doanh nghiệp không thuộc diện siêu nhỏ, nhỏ hoặc vừa được coi là doanh nghiệp lớn, nên số lượng doanh nghiệp lớn mới có đến 17.370 đơn vị. Nhưng để gọi là lớn thì chắc chắn là ít hơn rất nhiều, vì vậy nếu có chính sách hỗ trợ, chỉ hỗ trợ một phần rất nhỏ trong số doanh nghiệp được gọi là lớn hiện nay.
Quan điểm của tôi là cần phải hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân lớn, vì nhìn rộng ra thế giới, các quốc gia giàu có, thành công về kinh tế cũng đều nhờ vào doanh nghiệp tư nhân lớn, chứ không phải doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hay doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế, xã hội quốc gia - NCIF (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa có nghiên cứu về 500 doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn nhất hiện nay. Theo ông có nên tập trung hỗ trợ những doanh nghiệp này?
Mặc dù hàng năm Tổng cục Thuế đều công bố 1.000 doanh nghiệp có đóng góp lớn nhất vào ngân sách nhà nước, CTCP Báo cáo đánh giá Việt Nam công bố Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR 500); Tổng cục Thống kê cũng công bố 1.000 doanh nghiệp lớn nhất trong Sách trắng về doanh nghiệp, nhưng tôi cho rằng, nghiên cứu của NCIF rất có giá trị, có rất nhiều thông tin để so sánh giữa doanh nghiệp tư nhân lớn với nhỏ, vừa; với doanh nghiệp nhà nước và với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên có nghiên cứu chuyên sâu về doanh nghiệp tư nhân lớn dựa trên nhiều tiêu chí định lượng giúp các nhà hoạch định chính sách xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lớn.
Tuy nhiên, với một nền kinh tế còn nhỏ mà có đến 500 doanh nghiệp được coi là lớn là quá nhiều. Có lẽ NCIF cũng dựa vào con số 500 doanh nghiệp được nhiều tổ chức trên thế giới coi là lớn như S&P 500; 500 doanh nghiệp lớn nhất Trung quốc, VNR 500... nên tập trung nghiên cứu 500 doanh nghiệp lớn nhất (VPE 500). Tôi cho rằng, cần phải đặt ra tiêu chí cao hơn để lựa chọn 100-150 doanh nghiệp được cho là lớn nhất để tập trung hỗ trợ.
Vậy cần những tiêu chí gì?
Ngoài lao động, doanh thu hoặc tổng nguồn vốn, còn phải thêm một số điều kiện như lợi nhuận, đóng góp vào ngân sách nhà nước, ROA (tỷ suât lợi nhuận ròng trên tài sản), ROE (tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu)..., trong đó tiêu chí quan trọng nhất là doanh nghiệp phải có hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, chuyển đổi số mạnh mẽ, hàm lượng giá trị gia tăng hàng hóa, dịch vụ sản xuất, cung ứng ra thị trường.
Chỉ có những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, chuyển đổi số mạnh mẽ mới có thể lớn mạnh trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, bởi nếu không, dù ROA, ROE, doanh thu, lợi nhuận, đóng góp vào ngân sách nhà nước tốt, nhưng chỉ cần gặp sự cố bất lợi là có thể không còn là doanh nghiệp lớn nữa, thậm chí đứng trên bờ vực giải thể, phá sản.
Trong 21 ngành kinh tế quốc dân thì doanh nghiệp tư nhân lớn nhất có mặt ở 18 ngành theo tiêu chí của VPE500. Để công bằng và hỗ trợ đúng đối tượng, nên phân ra mỗi ngành có bao nhiêu doanh nghiệp, chỉ những doanh nghiệp tốt nhất trong ngành đó mới được hỗ trợ, nếu không thì chỉ có lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, xây dựng... và những ngành thâm dụng lao động được hỗ trợ, trong khi những ngành là thế mạnh cần được hỗ trợ như nông nghiệp, chế biến nông sản lại không có doanh nghiệp nào.