Đầu tư
Hòa Bình: Xây dựng cơ chế mở trong thu hút đầu tư
Hiền Lưu - 07/11/2014 18:08
Xác định đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là yếu tố quan trọng góp phần tạo động lực phát triển kinh tế địa phương, Hòa Bình thực hiện nhiều giải pháp tạo cơ chế “mềm” nhằm xây dựng môi trường tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Yên Bái tạo đột phá để thu hút FDI
Tạo cơ hội giảm nghèo tại vùng Tây Bắc
Khi cáp treo muốn "leo" lên Di sản
Đánh thức tiềm năng Tây Bắc
Công đoàn Bộ KH&ĐT bàn giao nhà tình nghĩa tại Hòa Bình
   
 

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là một trong những lĩnh vực ưu tiên mời gọi đầu tư của Hòa Bình

 

Theo thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình, tổng số dự án FDI đầu tư vào tỉnh từ đầu năm đến nay là 3 dự án với vốn đầu tư đăng ký 43,5 triệu USD, đưa tổng số dự án FDI trên toàn tỉnh đến nay lên 29 dự án, với tổng vốn đăng ký 453 triệu USD.

Đáng chú ý, tại các dự án FDI, công nghiệp là lĩnh vực thu hút số dự án đầu tư lớn nhất tại Hòa Bình với 22 dự án, tiếp theo là lĩnh vực dịch vụ thương mại (3 dự án) và khai thác chế biến khoáng sản, hạ tầng công nghiệp và du lịch.     

Điểm đáng quan tâm là, các dự án FDI đầu tư vào Hòa Bình được đánh giá triển khai thực hiện nhanh, sớm đưa vào khai thác, sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước suy giảm, các dự án FDI vẫn hoạt động tương đối ổn định, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế địa phương và giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 lao động địa phương.                                  

Mặc dù đạt được kết quả đáng khích lệ trong thu hút đầu tư nguồn vốn FDI, nhưng đây chưa phải là con số thuyết phục trong quá trình chinh phục các nhà đầu tư nước ngoài “khó tính” của một tỉnh có nhiều lợi thế như Hòa Bình. Lý giải cho thực trạng này, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hòa Bình cho rằng, công tác đền bù  giải phóng mặt bằng cho các dự án còn chậm, chất lượng các quy hoạch còn thấp, thủ tục hành chính còn rườm rà, trình độ nguồn nhân lực địa phương còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; công với việc, một số nhà đầu tư còn thiếu năng lực về tài chính và điều kiện thực hiện dự án là những nguyên nhân chính gây ra rào cản trong thu hút nguồn vốn FDI vào tỉnh Hòa Bình.  

Để khắc phục tình trạng trên, tạo đà cho thu hút đầu tư nguồn vốn FDI, theo ông Bùi Hải Quang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hòa Bình, đi đôi với việc phát huy những lợi thế “khung” sẵn có về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử, tỉnh Hòa Bình luôn ưu tiên xây dựng những cơ chế “mở” tạo thiện chí tối ưu cho các nhà đầu tư nước ngoài.                       

Trên thực tế, Hòa Bình được biết đến là tỉnh có nhiều lợi thế về vị trí như giao điểm giữa hai vùng kinh tế là Đồng bằng sông Hồng và vùng núi Tây Bắc, cửa ngõ Thủ đô Hà Nội có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc cộng với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng. Chính vì thế, Hòa Bình luôn tạo được sức hút mạnh mẽ cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, để giữ chân các nhà đầu tư quyết định làm ăn lâu dài tại tỉnh, thì lại không đơn giản. Để giải bài toán nâng cao số lượng và chất lượng nguồn vốn FDI, tỉnh Hòa Bình đã xác định thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng các cơ chế mở, chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư là yếu tố ưu tiên hàng đầu. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 04/2011/QĐ-UBND ngày 21/4/2011 về quản lý và khuyến khích đầu tư tại tỉnh và Quyết định 63/QĐ - UBND ngày 20/1/2014 về quy định trình tự giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư dự án có sử dụng đất ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, làm cơ sở thực hiện các thủ tục đầu tư dự án tại tỉnh.

Cùng với việc dành nguồn ngân sách hợp lý đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn, tỉnh Hòa Bình còn đẩy mạnh giải pháp  nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thông qua cải thiện những chỉ số thành phần quan trọng liên quan trực tiếp đến thu hút đầu tư. Ngoài ra, tỉnh đã thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhằm xây dựng cầu nối giữa lãnh đạo tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, tỉnh sẽ thiết lập đường dây nóng, kết nối trực tiếp với Chủ tịch tỉnh để kịp thời ghi nhận và giải quyết đề nghị chính đáng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư...

Từ nay đến năm 2020, Hòa Bình tiếp tục quan tâm, ưu tiên và mời gọi nhà đầu tư đến đầu tư phát triển các lĩnh vực chủ đạo, như công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; khai thác lòng hồ sông Đà trong hoạt động du lịch, đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái, thể thao, dã ngoại nhằm tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.                                                         

“Hòa Bình cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn. Mọi cam kết của tỉnh sẽ được cụ thể hóa bằng hành động thực tế một cách nhanh chóng và linh hoạt”, ông Quang khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác