Sức khỏe doanh nghiệp
Hóa dầu Petrolimex dè dặt với chỉ số tăng trưởng
Khắc Lâm - 13/04/2022 15:22
Giá dầu thô tăng “phi mã” là thách thức lớn đối với Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex khi các mặt hàng kinh doanh chính của doanh nghiệp này đều là sản phẩm từ lọc và chưng cất dầu thô.
Ảnh minh họa

Chỉ tiêu lợi nhuận năm 2022 thấp hơn năm 2021

Theo kế hoạch kinh doanh vừa được Ban lãnh đạo Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex - Công ty cổ phần (gọi tắt là Công ty Hóa dầu Petrolimex) công bố dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức vào tháng 4/2022, mặc dù doanh thu và sản lượng năm nay dự kiến tăng nhẹ so với năm 2021, nhưng chỉ tiêu lợi nhuận lại được đặt ra thấp hơn.

Nguyên nhân là do thị trường dầu mỏ đang có nhiều biến động lớn và khó lường, giá dầu thô tăng với tốc độ phi mã ngay từ đầu năm và dự báo giá dầu tiếp tục tăng trong cả năm 2022 trong bối cảnh thị trường năng lượng thế giới chịu sức ép từ cả 2 phía: sức cầu đang tăng trở lại theo đà phục hồi của các nền kinh tế sau dịch bệnh, nhưng nguồn cung lại có nguy cơ sụt giảm do những xung đột địa chính trị.

Các ngành hàng kinh doanh cốt lõi của Công ty Hóa dầu Petrolimex bao gồm dầu mỡ nhờn, nhựa đường đều là sản phẩm từ quá trình lọc và chưng cất dầu thô, nên giá dầu thô biến động sẽ ảnh hưởng đến giá nguyên liệu đầu vào theo hướng ngược chiều với biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp.

Năm 2021, tình hình kinh doanh của Công ty Hóa dầu Petrolimex cũng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh giá dầu liên tục gia tăng. Mặc dù doanh thu bán hàng của Công ty đạt 6.868,3 tỷ đồng, tăng 22,4% so với năm 2020, nhưng giá vốn tăng cao, khiến lợi nhuận gộp thu về còn 935 tỷ đồng, giảm 1,73% so với thực hiện năm 2021. Biên lợi nhuận gộp hợp nhất giảm xuống 13,56% và là mức thấp nhất trong nhiều năm.

Kết quả lợi nhuận sau thuế năm 2021 đạt 174,5 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2020 chủ yếu nhờ cải thiện lợi nhuận hoạt động tài chính khi chi phí lãi vay được kéo giảm và biến động tỷ giá thuận lợi hơn, giúp Công ty ghi nhận 46,2 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá.

Kỳ vọng hưởng lợi khi các dự án giao thông đi vào giai đoạn hoàn thiện

Công ty Hóa dầu Petrolimex đang là doanh nghiệp dẫn đầu về cung cấp nhựa đường tại Việt Nam (chiếm khoảng 25 - 30% thị phần). Năm 2021, mảng kinh doanh nhựa đường đóng góp 41% doanh thu và 40,4% lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này. Công suất sản xuất lớn, hệ thống nhà máy, kho chứa và hệ thống phân phối phủ sóng toàn quốc là lợi thế cạnh tranh của Công ty Hóa dầu Petrolimex so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Mảng kinh doanh dầu mỡ nhờn cũng đóng góp đáng kể vào doanh thu, lợi nhuận của Công ty, nhưng đang chịu sức ép cạnh tranh đáng kể từ nhóm doanh nghiệp nước ngoài, khiến triển vọng tăng trưởng bị hạn chế. Mảng hóa chất đem lại doanh thu lớn, nhưng có biên lợi nhuận thấp và bị chiếm dụng nhiều vốn lưu động do đặc thù hoạt động thương mại.

Năm 2022, dù áp lực chi phí đầu vào tăng theo giá dầu đang là khó khăn lớn gây sức ép lên biên lợi nhuận, nhưng triển vọng kinh doanh của Công ty Hóa dầu Petrolimex cũng có những thuận lợi nhất định.

Cụ thể, mảng dầu nhờn và hóa chất gặp nhiều khó khăn trong năm 2021 do ảnh hưởng bởi các đợt giãn cách xã hội, nhiều khách hàng doanh nghiệp của Công ty phải tạm ngưng sản xuất, nhưng năm 2022, các doanh nghiệp này bắt đầu hồi phục và thúc đẩy sản xuất, tạo lực đẩy tăng sức cầu tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, việc các dự án đầu tư công, nhất là các dự án hạ tầng giao thông, được đẩy mạnh tiến độ thực hiện và đi vào giai đoạn hoàn thiện mặt đường sẽ tạo động lực quan trọng hỗ trợ mảng kinh doanh nhựa đường trong năm nay.

Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào các dự án đầu tư công (như mảng nhựa đường) và đặc thù hoạt động thương mại của mảng hóa chất cũng khiến Công ty có nhu cầu vốn lưu động lớn.

Điều này một mặt khiến Công ty phải duy trì nợ vay ngắn hạn lớn bổ sung vốn lưu động, khiến chi phí lãi vay ở mức cao, mặt khác cũng có rủi ro phát sinh nợ xấu. Tổng giá trị trích lập dự phòng phải thu khó đòi đến cuối năm 2021 là 276,3 tỷ đồng, tương đương 19,6% giá trị khoản phải thu. Trích lập dự phòng phải thu tăng 43 tỷ đồng trong năm 2021.

Việc phải nhập khẩu gần như toàn bộ nguyên liệu bằng đồng USD trong khi doanh thu bán hàng chủ yếu bằng VND cũng khiến công ty này chịu thêm rủi ro từ biến động tỷ giá. Tính đến cuối năm 2021, dư nợ vay bằng đồng USD của Công ty Hóa dầu Petrolimex là 330,2 tỷ đồng, chiếm 21,3% số dư nợ vay.

Tin liên quan
Tin khác