Ông Long cho biết, ý định thì bao giờ cũng có. Nhưng hiện mới chỉ có thể trả lời là có thể xem xét thôi.
“Tôi cũng đã được gợi ý việc nghiên cứu mua lại Dự án. Tuy nhiên, trên thực tế Tisco hiện không có nhiều lợi thế, không gần biển, gần cảng . Trước đây khi sản xuất sản lượng nhỏ, Tisco có thể dựa vào than tự khai thác, nhưng giờ dùng than nhập khẩu thì tàu nhập than vào tận lò của HPG và giá quặng thế giới cũng rẻ”, ông Long nhận xét.
"Việc này không quá hứng thú với HPG", ông Long thảng thắn chia sẻ. Hơn nữa, hiện cũng có ai công bố có bán Dự án này nên hay không.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, HPG đạt doanh thu bán hàng 15.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.050 tỷ đồng. Mảng kinh doanh thép đóng góp khoảng 80% lợi nhuận của HPG.
Ông Long cũng cho hay, HPG cũng có ý định tiếp tục đầu tư vào ngành thép và đang tìm kiếm các địa điểm thuận lợi về diện tích và có cảng để phục vụ quy mô công suất lớn.
Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành công thương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại câu chuyện không thể ném tiền vào để cứu các Dự án thua lỗ, chậm chễ triển khai, mà ví dụ cụ thể được nhắc tới là Gang thép Thái Nguyên.
“Chính phủ không thể tiếp tục ném tiền vào Gang thép Thái Nguyên, như thế chẳng khác gì ném tiền vào lửa", Thủ tướng nói.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco), tổng mức đầu tư của dự án mở rộng sản xuất gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 sau khi được rà soát lại đã nâng lên 9.030 tỷ đồng.
Dự án này sau khi bị chậm tiến độ khoảng 8 năm và đã lên kế hoạch tái khởi động lại trong tháng 4/2016, tuy nhiên đến nay mọi việc vẫn đang bất động. Tisco cũng đã chi cho dự án 4.565 tỷ đồng và mỗi tháng đang phải chịu riêng tiền lãi vay là 30 tỷ đồng.
Ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) - đơn vị nắm 42,11% vốn điều lệ tại Tisco cũng cho biết, nếu như Dự án không có được cơ chế thuế và ưu đãi như kiến nghị thì nên dừng luôn.
“Cần có phương án cho phá sản hay tái cơ cấu, để các doanh nghiệp tư nhân có tiềm lực nhảy vào giải cứu Dự án. Dĩ nhiên, việc thu hút được nhà đầu tư tư nhân còn phụ thuộc vào cơ chế hỗ trợ, giải pháp cụ thể”, ông Đa nói.
Các chuyên gia ngành thép cũng cho rằng, bên cạnh tìm lối thoát cho Dự án đang đầu tư dang dở, Tisco cần đẩy mạnh tái cơ cấu.
Hiện Tisco có 5.500 lao động với mức thu nhập trung bình là 6,5 triệu đồng/người/tháng. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Công ty lãi 150 tỷ đồng. Tuy nhiên so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành, các chuyên gia cũng cho rằng, điểm yếu lớn nhất của Tisco hiện nay là số lượng lao động quá lớn.
“Một số doanh nghiệp sản xuất thép khác có sản lượng thép và phôi như Tisco có số lượng lao động làm việc thấp hơn rất nhiều. Để hiệu quả nhất, với năng lực hiện nay, số lao động tại Tisco chỉ cần khoảng 1.800-2.000 lao động. Bởi vậy nếu Tisco giảm được 50% lao động hiện có, hoạt động sẽ hiệu quả hơn rất nhiều”, một chuyên gia lâu năm trong ngành thép nhận xét.