Doanh nghiệp
Hoà Phát với giấc mơ Top 20 ngành thép thế giới
Thanh Hương - 13/10/2024 10:59
Tập đoàn Hòa Phát hiện là doanh nghiệp thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với sản lượng trên 8 triệu tấn/năm. Từ năm 2025, năng lực của Hòa Phát sẽ tăng lên 14 triệu tấn/năm khi có thêm dự án mới đi vào vận hành.
Tập đoàn Hòa Phát không ngừng vươn lên trở thành nhà sản xuất thép hàng đầu Đông Nam Á.

Nghĩ lớn, làm lớn

“Làm sản xuất quy mô nhỏ và lạc hậu thì sớm bị đè bẹp. Mong muốn của tôi là sau 5-10 năm nữa, Hòa Phát sẽ nằm trong Top 20 công ty sản xuất thép lớn nhất thế giới”. Đó là chia sẻ của tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, diễn ra hồi tháng 4 năm nay.

Để đạt được giấc mơ này, chặng đường của Hòa Phát bắt đầu từ khoảng 30 năm trước. Ở thời điểm đó, Việt Nam chưa hề hiện diện trên bản đồ thép thế giới.

Phấn đấu không ngừng nghỉ, tới năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát đã lọt vào Top 50 nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới. Việt Nam cũng trở thành nước sản xuất thép lớn nhất ASEAN với sản lượng cỡ 20 triệu tấn/năm, đặc biệt đã có công nghiệp thép chế tạo, thép cao cấp.

Với khởi đầu là thép, hiện doanh thu và lợi nhuận mặt hàng thép đang chiếm tỷ trọng 80-90% doanh thu toàn Tập đoàn.

Tỷ phú Trần Đình Long không giấu sự tự hào khi khoe về cơ ngơi của Hòa Phát với sản lượng hiện nay trên 8 triệu tấn/năm, cùng số cán bộ công nhân viên trên 32.000 người.

Sau thành công bước đầu với Khu liên hợp gang thép tại Hải Dương, Hòa Phát tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ trong ngành thép khi mở rộng đầu tư tại Dung Quất.

Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 được xây dựng trên diện tích 304 ha, có công suất 5,6 triệu tấn thép/năm, với vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD đang phát huy rất tốt trong sản xuất.

Hiện Dự án Dung Quất 2 có tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn/năm thép cuộn cán nóng (HRC) chất lượng cao, đang ở giai đoạn chuẩn bị vận hành phân kỳ 1 vào đầu năm 2025 và sẽ tăng lên 14 triệu tấn/năm khi được hoàn thành toàn bộ trong năm 2026.

Khi Dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động ổn định, doanh thu hàng năm của Hòa Phát sẽ từ 150.000 đến 250.000 tỷ đồng, đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng/năm.

Nếu xét trên bản đồ thép thế giới, mức sản lượng 14 triệu tấn/năm này ở vào Top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất.

Tuy nhiên, với tỷ phú Trần Đình Long, đó chưa phải là đích đến và Phú Yên tiếp tục trở thành mục tiêu mới của Hòa Phát, với kế hoạch đầu tư dự án khu liên hợp mới, tạm gọi là Dự án Dung Quất 3, có quy mô 5 tỷ USD.

Với mức công suất 20 triệu tấn thép/năm khi hoàn thành Dung Quất 3 như kế hoạch đặt ra, sẽ đưa Hòa Phát vào Top 20 nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, vượt trên các nhà sản xuất thép đến từ Mỹ, Nga, Đức, Brazil, cùng nhiều nhà sản xuất thép Trung Quốc và đứng ngang hàng với Hyundai của Hàn Quốc.

Làm việc khó, cần cách mới và nhanh

Khẳng định, Hòa Phát phải làm việc khó và đang nghiên cứu sản xuất các mặt hàng chất lượng cao như tôn silic hay thép đường ray chuyên dụng cho các loại tàu cao tốc…, ông Long cũng cho rằng, để cộng đồng doanh nghiệp có thể phát huy mạnh mẽ hơn, cần sự tiếp sức thông qua tháo gỡ về thể chế chính sách.

Theo đó, Chính phủ, các bộ, ban, ngành cần sớm có chính sách quy định cụ thể, ủng hộ, bảo hộ hợp lý, chính đáng theo các quy định của Việt Nam và thế giới cho sản xuất trong nước để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

“Nếu Việt Nam muốn có các doanh nghiệp lớn như Pohang, Posco của Hàn Quốc, thì Chính phủ cần có chính sách đặc biệt, đặc thù để nuôi dưỡng các doanh nghiệp đủ lớn”, ông Long nhận xét và mong muốn “trong quy hoạch, chiến lược phát triển ngành thép, có biện pháp cụ thể để nuôi dưỡng phát triển được doanh nghiệp sản xuất thép lớn. Khi đó, ngành công nghiệp phụ trợ cũng sẽ phát triển, hạn chế phụ thuộc hàng nhập khẩu”.

Trong năm 2024, Hòa Phát theo đuổi vụ kiện chống bán phá giá với mặt hàng thép cuộn cán nóng (HRC). Doanh nhân Trần Đình Long thẳng thắn cho rằng, nhìn nhận một cách khách quan, công bằng, thì không có nước nào trên thế giới chấp nhận tình trạng lượng thép nhập khẩu còn lớn hơn phần sản xuất trong nước.

“Không có lý do gì, chúng tôi bỏ ra 7 tỷ USD mà không được bảo vệ, thà chúng tôi đi đầu tư bất động sản còn hơn”, ông Long nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người đứng đầu Hòa Phát cho hay, cần nhanh chóng phê duyệt các quy hoạch liên quan như cảng biển, bởi ảnh hưởng rất nhiều ngành, lĩnh vực.

Riêng với Hòa Phát có nhu cầu bốc xếp 70 triệu tấn/năm, nếu không xây dựng xong các cảng theo quy hoạch thì không thể hoạt động hiệu quả được. Cứ chậm là thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân. Hay như đề xuất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) về quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm thép đề xuất 10 năm nay chưa xong. Vì thế, ông Long cho rằng, để đất nước phát triển, hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn, cần đặc biệt tháo gỡ về thể chế chính sách.

Vẫn theo vị tỷ phú này, luật do con người làm ra và có thể điều chỉnh được. Việc này cần làm nhanh hơn, nhanh hơn và nhanh hơn nữa, bởi nếu làm nhanh thì rất có lợi cho doanh nghiệp phát huy được năng lực của mình.

Tin liên quan
Tin khác