Đầu tư và cuộc sống
Họa sĩ Thành Chương rơi lệ khi nói về Chánh Tín
Huyền Thanh - 19/03/2014 09:31
“Rất nhiều bạn bè yêu quý, trân trọng và luôn ở bên anh”, họa sĩ Thành Chương đã khóc lặng nghẹn ngào trong những lời nhắn gửi tới nghệ sĩ Chánh Tín thông qua báo điện tử. >>> >>>
TIN LIÊN QUAN

Chánh Tín không phải là người kém cỏi

Sau khi biết được hoàn cảnh hoạn nạn của nghệ sĩ Chánh Tín, mặc dù chưa từng một lần gặp mặt, trò chuyện song họa sĩ Thành Chương cùng vợ đã ngay lập tức tìm đến gặp nghệ sĩ Chí Trung, người khởi xướng kêu gọi ủng hộ nghệ sĩ Chánh Tín để chia sẻ đồng thời cũng gửi chút tấm lòng tới diễn viên Ván bài lật ngửa.

Họa sĩ Thành Chương gặp nghệ sĩ Chí Trung để ủng hộ tiền cho nghệ sĩ Chánh Tín

Chia sẻ với PV, họa sĩ Thành Chương tâm sự: “Khi xảy ra trường hợp anh Chánh Tín, tôi được biết một số người cũng đã buông nhiều câu thiếu hiểu biết và vô trách nhiệm như: Đã là nghệ sĩ ai lại đi kinh doanh vì biết gì về kinh doanh, hay nghệ sĩ cũng như người bình thường kinh doanh thua lỗ, thất bại, chết cũng đáng…

Đó là những suy nghĩ không thấu đáo, không hiểu biết. Thứ nhất, đã là nghệ sĩ nghĩa là có sự hiểu biết, có sự từng trải trong cuộc đời, và có nhiều người có đầu óc kinh doanh, đã gặt hái được nhiều thành công trên thương trường.

Hơn nữa, hiện nay trong xã hội người làm kinh doanh vô cùng nhiều, và thất bại, đổ bể ra đứng đường cũng không hiếm nhưng họ không phải nhân vật nổi tiếng, nên không ai biết đấy là đâu. Còn nghệ sĩ như anh Chánh Tín cả nước ai cũng biết, thế nên có chuyện gì thì ngay lập tức rầm rĩ nỉ non.

Chuyện của Chánh Tín ở đây không phải là sự kém cỏi mà là do nạn xâm phạm bản quyền đã đẩy anh vào tai họa này. Chánh Tín là nạn nhân của việc xâm hại bản quyền. Và không chỉ với riêng anh, nạn xâm phạm bản quyền đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến người nghệ sĩ, đó mới là điều cần phải lên án”.

Chủ nhân của Việt Phủ Thành Chương cũng khẳng định, nghệ sĩ cũng là người bình thường, ông cho rằng đây là tai nạn không ai lường trước.

Họa sĩ cho rằng, nếu Chánh Tín không gặp tai nạn với phim Dòng máu anh hùng thì ông đã không lâm vào cảnh nợ nần. Chưa kể, theo ông Chương được biết, chính Chánh Tín cũng đã từng giúp đỡ người khác.

Bản thân ông và Chánh Tín, người Bắc kẻ Nam, tuy cùng giới nhưng hoàn toàn không chơi, không quen biết nhau ở góc độ cá nhân. “Song ngần ấy năm giời, sự đóng góp cho nghệ thuật, cho đất nước của anh Chánh Tín là vô cùng lớn. Chỉ cần một vai diễn trong Ván bài lật ngửa, anh đủ sống mãi trong nền điện ảnh nước nhà. Hình ảnh anh đã trở thành biểu tượng cho điện ảnh Việt Nam”, họa sĩ nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết thêm, ông cũng được biết bản thân nhân cách của Chánh Tín là người đàng hoàng, tử tế nên khi chẳng may gặp tai họa, anh em trong giới nghe xúc động và rất muốn có sự cảm thông, chia sẻ với hoàn cảnh của Chánh Tín hiện nay cũng là việc rất đỗi bình thường.

“Thật buồn lòng nếu chuyện xảy ra mà anh em trong giới lại lãnh đạm, thờ ơ, đó mới là đáng buồn nhất. Tôi cũng biết sự đóng góp này có thể không cứu được anh nhưng mỗi người một chút tấm lòng, giúp anh có thêm tiền chữa bệnh trong lúc hiểm nghèo.

Và quan trọng hơn là để anh thấy anh không bị bỏ rơi, thấy được sự yêu thương của mọi người đối với anh”, họa sĩ tâm sự.

Đừng so sánh Chánh Tín với trẻ em vượt suối bằng túi ni lông

Cũng trong ngày hôm qua, khi báo chí đưa tin cô trò ở Điện Biên phải chui vào túi ni lông để vượt suối đến trường, nhiều thành viên trên một số trang mạng đã có những so sánh Chánh Tín và cây cầu treo nối liền trường học, cái nào cần hơn? Tại sao không ai đứng ra kêu gọi cho trẻ em Điện Biên mà nhiều người lại đứng ra kêu gọi cho Chánh Tín? Phải chăng đây là “đặc quyền đặc lợi” riêng của người nổi tiếng?

Họa sỹ Thành Chương đã thẳng thắn bày tỏ ý kiến về câu chuyện này: thực sự không phải vì nghệ sĩ đòi nọ đòi kia, trường hợp Chánh Tín theo tôi biết không hề lên tiếng đòi hỏi hay kêu gào để mọi người giúp đỡ.

“Bản thân Chánh Tín chỉ có nguyện vọng tạm hoãn thi hành lệnh của tòa án để anh có thời gian chữa trị bệnh tật rồi lo toan mọi việc, rõ ràng anh là con người đàng hoàng. Tôi hết sức cảm thông và thực lòng muốn chia sẻ với anh, không chỉ về tiền bạc, kinh tế mà lớn hơn cả là tình cảm, tấm lòng. Những lúc này, người nghệ sĩ cần lắm những tình cảm của đồng nghiệp, bạn bè và mọi người”, họa sĩ Thành Chương thẳng thắn bày tỏ.

Ông cho rằng: nghệ sĩ có đóng góp, cống hiến, và là biểu tượng của văn hóa, nghệ thuật của đất nước, dân tộc, là niềm tự hào về văn hóa dân tộc. Hình ảnh ấy phải luôn được gìn giữ, bồi bổ để đẹp mãi trong lòng công chúng. Một khi vì lý do nào đó như do tai họa không may xảy đến và đẩy những hình ảnh biểu tượng cao đẹp của nghệ thuật, đất nước thành ra hình ảnh trần trụi, thê thảm, xấu xí, tồi tệ, nó sẽ ảnh hưởng chính tới hình ảnh của nền văn hóa, đất nước.

Còn trách nhiệm với những hoàn cảnh xã hội khác luôn có Nhà nước, chính phủ, các tổ chức xã hội cùng quan tâm. Bản thân người nghệ sĩ có điều kiện cũng sẵn sàng chia sẻ. “Chúng tôi cũng rất nhiều lần tham gia từ thiện, đóng góp cho những trẻ em tật nguyền, đồng bào vùng lũ lụt. Còn nghệ sĩ - hình ảnh của dân tộc, ngoài trách nhiệm về góc độ con người với nhau, chúng tôi còn có trách nhiệm đối với hình ảnh, biểu tượng nghệ thuật đẹp đẽ của dân tộc”, ông khẳng định.

Họa sĩ cũng tin rằng, tất cả những gì ông và những người như ông làm từ đáy lòng và từ con tim chân thành, mọi người sẽ hiểu. Còn những điều nọ tiếng kia hiểu sai về tình nghệ sĩ yếu đuối, mù quáng chỉ là rất ít, không đáng kể. Nếu có ông cũng không mấy bận tâm.

Họa sĩ Thành Chương cũng gửi những lời nhắn rất xúc động tới nghệ sĩ Chánh Tín: “Gửi đến anh sự chia sẻ cảm thông sâu sắc nhất. Trong hoàn cảnh này anh hãy tin rằng còn rất nhiều… (ông lặng đi một lúc lâu vì xúc động - PV)… rất nhiều bạn bè, rất nhiều người yêu quý, trân trọng đóng góp của anh, và luôn ở bên anh”, ông nghẹn ngào.

Tin liên quan
Tin khác