Các chuyên gia, nhà khoa học đã kiến nghị nhiều giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ đối với tài sản số. |
Sáng 15/7, Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển (PDI), thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý tài sản số”.
Ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển cho biết, thời gian qua, tài sản số đã có sự phát triển nhanh chóng, nhất là những tài sản dựa trên công nghệ trên nền cuộc cách mạng 4.0. Cuộc cách mạng 4.0 cũng gắn liền với sự xuất hiện với tốc độ nhanh chóng của các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới dựa trên việc ứng dụng các công nghệ số như các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực Fintech, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ...
Điều này đang đặt ra những vấn đề mới chưa từng có đối với các tiêu chuẩn, quy định về tài sản, thị trường tài chính, thuế và yêu cầu quản lý dành cho các nhà hoạch định chính sách của nhiều quốc gia.
Tài sản số đã trải qua sự tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây.
Hiện đã có hơn 2 tỷ giao dịch với tổng trị giá 1,4 nghìn tỷ USD trong các hoạt động tiền ảo vào năm 2021. Riêng năm 2020, 193 tỷ USD hoạt động đã được thực hiện thông qua 586 triệu giao dịch
Doanh thu trung bình trên mỗi người dùng trong thị trường Tài sản kỹ thuật số lên tới 83,73 USD vào năm 2023'.
Theo Digital Assets - Worldwide | Statista Market Forecast
Trước thực trạng trên, Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển đã lựa chọn đề tài “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài sản số trong bối cảnh Việt Nam đang chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” nhằm nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật về tài sản số, tạo môi trường công bằng, minh bạch để khai thác các giá trị của tài số.
Theo thông tin từ hội thảo, tài sản số được hình thành trên nền tảng công nghệ số, có một số đặc tính cơ bản như: Tồn tại dưới định dạng file kỹ thuật số trên môi trường điện tử, được hình thành thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, được xác thực thông qua mã hóa, được điều chỉnh bởi nguyên tắc đồng thuận.
Tại Việt Nam, pháp luật hiện hành chưa công nhận quyền sở hữu đối với tài sản số. Tuy vậy, hoạt động giao dịch, khai thác tài sản số vẫn diễn ra một cách sôi động trong làn sóng phát triển mạnh mẽ của Cách mạng 4.0.
Bởi vậy, tài sản số nên được coi là tài sản - tài sản “đặc biệt” phi truyền thống hoặc quyền tài sản và cần cho phép giao dịch có kiểm soát đối với tài sản này, miễn là tài sản đặc biệt này được cộng đồng hay hệ sinh thái chấp nhận sử dụng, trao đổi.
Các đại biểu cho rằng, tài sản số là khái niệm rất mới và phức tạp nên việc đánh giá đầy đủ và xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh đối với tài sản số là thách thức không chỉ với Việt Nam mà còn với nhiều nước khác trên thế giới.
Hiện tại, tài sản số đã bắt đầu xâm nhập vào các hoạt động đầu tư, quan hệ dân sự, tác động đến đời sống kinh tế-xã hội của người dân nên đòi hỏi phải nhanh chóng xây dựng khung khổ pháp lý để bảo đảm thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, phúc đáp yêu cầu cấp bách của thực tiễn trong việc quản lý tài sản số.
TS Lê Thị Hoàng Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, tài sản mã hóa là sản phẩm, kết quả đầu tư, trí tuệ, sức lao động của con người để phục vụ cho nhu cầu cụ thể nào đó, có thể được thừa nhận giá trị trong cộng đồng người sử dụng. Về bản chất, tài sản mã hóa phản ánh một giá trị cũng tương tự như một tài sản truyền thống khác.
"Tài sản mã hóa cần được coi là tài sản, cần nghiên cứu, xây dựng pháp luật để quản lý đối với các loại hình tài sản mới", Theo TS Lê Thị Hoàng Thanh nói.
Để bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với tài sản số được bảo vệ, các chuyên gia dự Hội thảo cho rằng, cần khẩn trương, chủ động nghiên cứu, đưa ra một khái niệm phù hợp về "tài sản số" theo hướng công nhận đây là một loại tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự; đồng thời, thể chế hóa nội dung này trong các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư, kinh doanh như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Thương mại.
Cùng đó là hoàn thiện các văn bản pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến tài sản số. Khi hành lang pháp lý đã được hoàn thiện, các cá nhân, tổ chức có thể bảo vệ và khai thác các tài sản trí tuệ trên môi trường điện tử một cách hiệu quả, minh bạch.