Việc xác định danh mục các dự án năng lượng tái tạo hiện rất lúng túng, bị động, cơ sở khoa học chưa vững chắc. Ảnh: Đức Thanh |
Hai phương án chính sách với điện gió ngoài khơi
Theo tờ trình Dự án Luật Điện lực sửa đổi được Bộ Công thương gửi Chính phủ, để đảm bảo định hướng về chuyển dịch từ chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nguồn năng lượng tái tạo sang chính sách cạnh tranh, cần thiết hoàn chỉnh khung chính sách nhằm quy định cụ thể đối với việc phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới.
Bộ Công thương cho rằng, việc tiếp tục duy trì các chính sách giá điện hỗ trợ (giá FIT) không còn phù hợp. Việc khuyến khích nguồn điện năng lượng tái tạo nên được thực hiện thông qua khung giá phát điện, linh hoạt để phù hợp định hướng phát triển trong từng thời kỳ.
Đối với phát triển điện gió ngoài khơi - lĩnh vực mới đối với Việt Nam, cơ quan chủ trì soạn thảo luật nhấn mạnh, suất đầu tư là rất lớn, khoảng 2 - 3 tỷ USD/GW và thời gian thực hiện từ 6-8 năm kể từ lúc bắt đầu khảo sát và tùy theo quy mô công suất, khu vực triển khai dự án. Dự án điện gió ngoài khơi có vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, đồng thời góp phần giúp Việt Nam thực hiện cam kết trung hòa carbon đến năm 2050.
Tuy nhiên, ngoài bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển điện gió ngoài khơi phải gắn với bảo vệ vùng trời, vùng biển và bảo đảm an ninh quốc gia. Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên đối với dự án điện gió ngoài khơi cũng chưa xác định được có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo hay không.
Mặt khác, pháp luật hiện hành chưa xác định cụ thể cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với điện gió ngoài khơi. Do đó, việc thể chế hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, thực tế thời gian qua cho thấy, công nghệ điện mặt trời, điện gió có sự phát triển nhanh chóng và thiết bị công nghệ có tuổi thọ trong khoảng thời gian nhất định, trong khi nguồn lực đất đai, tài nguyên là hữu hạn và cần được sử dụng hiệu quả. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không quy định trách nhiệm của chủ đầu tư phải thực hiện tháo dỡ công trình khi hết thời hạn hoạt động, hết thời hạn sử dụng theo quy định trên.
“Vì vậy, Luật Điện lực cần được sửa đổi, bổ sung nội dung chính sách phát triển năng lượng tái tạo để thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng”, cơ quan chủ trì soạn thảo khẳng định.
Tại Dự thảo tờ trình dự án luật, Bộ Công thương tách riêng 4 vấn đề xin ý kiến, trong đó có chính sách đối với điện gió ngoài khơi. Theo đó, để xây dựng cơ chế cho điện gió ngoài khơi, ngoài khung giá phát điện và ưu đãi, hỗ trợ về đầu tư, thuế theo quy định, có 2 phương án chính sách được tính đến.
Phương án 1 là có chính sách cam kết sản lượng điện tối thiểu được huy động và thời hạn thực hiện với ưu điểm thể chế hóa Nghị quyết 55-NQ/TW, có tính đột phá, tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư vào điện gió ngoài khơi. Đơn vị mua điện (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) có cơ sở để huy động, không chịu áp lực về thua lỗ trong kinh doanh, khi giá thành sản xuất điện gió ngoài khơi cao hơn giá trung bình của hệ thống. Nhưng nhược điểm là, trong giai đoạn khuyến khích, chính sách này không đảm bảo tính thị trường của điện gió ngoài khơi như các loại hình khác.
Phương án 2 là thực hiện theo các loại nguồn điện khác có ưu điểm là bảo đảm toàn diện tính thị trường đối với mọi loại hình điện năng lượng tái tạo, nhưng khó hấp dẫn, thu hút đầu tư điện gió ngoài khơi, do quy mô đầu tư lớn và giá điện cao, EVN có quyền từ chối mua.
Bộ Công thương đề xuất phương án 1 tại Dự thảo.
Băn khoăn điện tự sản, tự tiêu
Dự thảo mới nhất (Dự thảo 5) đã dành Chương IIII quy định về phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Chương này đã luật hóa khái niệm cho loại hình điện gió ngoài khơi, quy định nhà máy điện gió ngoài khơi là nhà máy điện gió trên biển, có toàn bộ tua-bin điện gió được xây dựng cách đất liền trên 6 hải lý kể từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm.
Chương III cũng quy định phát triển điện gió ngoài khơi và chính sách hỗ trợ đối với loại hình này (giao Chính phủ quy định) để thể chế hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW. Ngoài ra, còn một số quy định khác như việc phát triển nguồn điện tự sản, tự tiêu cho các mục đích (sinh hoạt, hành chính sự nghiệp và sản xuất, kinh doanh) và một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước (UBND cấp tỉnh) cho hộ gia đình.
- TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
Nội dung mới nữa là quy định phát triển điện từ năng lượng mới căn cứ yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng và điều kiện cho phép về tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nguồn nhân lực, khả năng tài chính của nền kinh tế, bổ sung quy định trong việc thực hiện sửa chữa, cải tạo, thay thế thiết bị của điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới.
Theo ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, bên cạnh điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, công nghệ lưu trữ điện cũng cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp của Nhà nước. Từ đó, có cơ sở xây dựng chính sách cụ thể đẩy mạnh phát triển công nghệ này giúp khai thác hiệu quả hơn nguồn năng lượng tái tạo, góp phần giảm áp lực vận hành, điều độ hệ thống điện.
Điều 34 của Dự thảo quy định, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân phát triển điện tự sản, tự tiêu từ nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, để cung cấp cho nhu cầu phụ tải của tổ chức, cá nhân đó. Việc đưa quy định về điện tự sản, tự tiêu vào Dự thảo có thể làm cho các nhà đầu tư năng lượng tái tạo hiểu rằng, các loại hình điện năng lượng tái tạo khác ngoài điện năng lượng tái tạo tự sản, tự tiêu sẽ bị hạn chế và khó khăn khi muốn đầu tư, phát triển. “Như vậy là không phù hợp với chính sách, mục tiêu chuyển dịch năng lượng bền vững của Việt Nam”, ông Chiến góp ý.
Nhận xét các quy định về điện tự sản, tự tiêu thiếu mạch lạc, thậm chí có một số điều vô lý (như không được bán điện tự sản, tự tiêu cho các hộ khác), TS. Lê Hải Hưng (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, không nên đưa vấn đề điện tự sản, tự tiêu vào Dự thảo.
Theo Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương), ông Nguyễn Đức Hạnh, với mục đích tối thượng là đảm bảo an ninh năng lượng trong tình hình mới, việc sửa đổi luật cần lưu ý tới một số yếu tố mới. Theo đó, các nguồn quy mô nhỏ, phân tán, mà chủ yếu là năng lượng tái tạo, phát triển rất mạnh mẽ và dần chiếm vai trò chủ đạo trong cung ứng điện. “Loại nguồn này có đặc điểm quy mô nhỏ, phân tán (trừ điện gió ngoài khơi) và mỗi dự án lại có những đặc điểm riêng về quy hoạch đất đai, hạ tầng, đấu nối, tiềm năng năng lượng sơ cấp, môi trường”, ông Hạnh lưu ý.
Việc phát triển năng lượng tái tạo, ông Hạnh nhận định, đang gặp phải những vấn đề, như trước đây, để xác định được danh mục các dự án năng lượng tái tạo, cần lập quy hoạch năng lượng tái tạo quốc gia, quy hoạch năng lượng tái tạo và quy hoạch phát triển điện lực các tỉnh, thành phố. Sau khi Luật Quy hoạch được áp dụng, chưa tiến hành lập các loại quy hoạch nêu trên. Do vậy, trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện lực quốc gia, việc xác định danh mục các dự án năng lượng tái tạo rất lúng túng, bị động, cơ sở khoa học chưa vững chắc.
Ông Nguyễn Đức Hạnh nhìn nhận, các nguồn này phần lớn do các nhà đầu tư tư nhân thực hiện, nên khó có thể kiểm soát tiến độ, chất lượng. Các luật hiện hành về đầu tư chỉ xem xét tới việc lựa chọn chủ đầu tư hoặc một nhà thầu cho một dự án cụ thể, chưa xem xét tới việc đấu thầu cạnh tranh phát triển giữa các dự án năng lượng tái tạo (đặc điểm của các dự án năng lượng tái tạo thường gắn liền với đất đai của nhà đầu tư cụ thể và những đầu tư ban đầu mà nhà đầu tư đã bỏ ra, nên rất khó để đấu thầu hay lựa chọn một nhà đầu tư khác cho vị trí đó).
“Nếu không có các điều chỉnh về luật pháp, cơ chế, thì sẽ rất khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện”, ông Hạnh nhấn mạnh.
Trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám vào cuối năm nay, Dự thảo sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp tháng 8/2024.