Khảo sát thực địa tại khai trường đã khai thác được 7-8 năm, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) sớm phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông thực hiện cơ chế hoàn trả đất sau khai thác bauxit.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh các thủ tục hoàn trả trong tuần tới với diện tích 130 ha mà TKV đang làm thủ tục trả lại cho địa phương sau khai thác bauxite.
Sau khi hoàn nguyên mỏ sẽ bàn giao đất lại cho địa phương để tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội và giữ nguyên đất nông nghiệp, đất rừng.
Đoàn công tác Bộ Tài nguyên và Môi trường khảo sát thực địa khai trường khai thác bauxit |
Đối với những diện tích khai thác trong giai đoạn sắp tới sẽ nghiên cứu xây dựng cơ chế “khai thác đến đâu hoàn trả lại đất đến đó cho người dân khi có nhu cầu sử dụng”. Trong quá trình khai thác sẽ hỗ trợ người dân về phần tài sản bị ảnh hưởng. Quyền sở hữu đất vẫn giữ nguyên.
Đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM), Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, trong trường hợp cần thiết sẽ có sự điều chỉnh lại.
Công ty Nhôm Đắk Nông TKV |
Trong năm 2023, Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Một số thời điểm, Nhà máy Tuyển phải dừng hoạt động, nhà máy phải chạy thấp tải (dưới 50% công suất) và có nguy cơ dừng hoạt động do thiếu nguyên liệu.
Điều này dẫn đến một số chỉ tiêu sản xuất năm 2023 thực hiện đạt thấp hơn so với năm 2022. Đặc biệt là sản lượng alumin quy đổi không đạt mục tiêu điều hành dự kiến là trên 740.000 tấn.
Qua đó làm ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị, cũng như làm giảm thu ngân sách của địa phương năm 2023 về thuế tài nguyên, phí môi trường và thuế xuất khẩu.
Tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, đại diện Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV cũng đã nêu các vấn đề vướng mắc hiện nay như: khó khăn vướng mắc khi thay đổi nội dung đề án Đề án cải tạo phục hồi môi trường Dự án Khai thác mỏ bauxite Nhân Cơ (thay vì trồng keo sau khai thác chuyển sang sử dụng đất hiệu quả, kinh tế hơn); khó khăn trong đền bù giải phóng mặt bằng bố trí tái định cư cho những hộ dân đủ điều kiện được bố trí tái định cư và xây dựng các công trình bảo vệ môi trường; Ngoài ra, Công ty cũng có các kiến nghị về kinh tế tuần hoàn trong khai thác bauxit và sản xuất alumin như việc sử dụng bùn thải quặng đuôi để chứa trên các khai trường sau khai thác và tái sử dụng bùn đỏ thải; kiến nghị về thực hiện trình tự khai thác các mỏ quặng theo tiến độ thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực tế tại các mỏ…
Trước đó, kiến nghị với các cơ quan chức năng, TKV đã cho hay, các mỏ quặng bauxit có đặc điểm dạng kiểu bề mặt, chiều dày vỉa mỏng (trung bình từ 2 - 2,5 mét), diện tích phân bố rộng (hàng ngàn ha) trình tự khai thác - hoàn thổ theo hình thức cuốn chiếu (khai thác đến đâu, đổ đất phù hoàn thổ đến đó) với tốc độ nhanh (3-5 năm sẽ chuyển sang khu vực khai thác mới) đang gây áp lực lớn đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Hiện nay, các khu vực sau khai thác quặng bauxit được đổ thải hoàn thổ và trồng cây keo theo Phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, TKV tiếp tục quản lý các diện tích đất này đến hết đời dự án nhưng không phục vụ công tác khai thác quặng. Vì vậy TKV cho rằng cần có khung pháp lý để đưa diện tích đất này vào phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế xã hội địa phương.