Chiều 18/9, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons tổ chức Hội nghị nhà đầu tư để chia sẻ về tình hình kinh doanh niên độ tài chính 2023-2024 (niên độ tài chính bắt đầu tư ngày 1/7/2023 và kết thúc ngày 30/6/2024) và triển vọng kinh doanh trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, liên quan tới hoạt động mở rộng hoạt động xây dựng ra thị trường quốc tế khi mà tháng 10/2023, Coteccons đã công bố nghị quyết Hội đồng quản trị về việc đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức thành lập công ty con là Coteccons Constructions Inc với số vốn đầu tư là 5 triệu USD (khoảng 125 tỷ đồng) để thực hiện các hoạt động liên quan đến xây dựng; cuối tháng 3/2024, Coteccons quyết định thành lập văn phòng đại diện tại Indonesia để tham gia đấu thầu và thực hiện dự án tại thị trường này; và mới đây nhất ngày 15/8, Coteccons thông qua thành lập mới công ty con để đầu tư ra nước ngoài khi thực hiện các hoạt động liên quan đến xây dựng và chỉ định Chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov là người đại diện theo uỷ quyền duy nhất của Coteccons tại công ty con.
Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Hải, Giám đốc điều hành Coteccons đã chia sẻ chiến lược đầu tư ra nước ngoài được thực hiện theo hai hình thức. Trong đó, đầu tiên, khi đã khẳng định được uy tín với các chủ đầu tư, khách hàng tại thị trường trong nước, khi các chủ đầu tư có mong muốn và thực hiện đầu tư ra nước ngoài, các chủ đầu tư đã mong muốn Coteccons có thể theo cùng họ phát triển các dự án ở thị trường nước ngoài.
Đơn cử như trường hợp Coteccons đang triển khai dự án của VinFast tại Ấn Độ sau khi đã liên tục hợp nhiều dự án trong nước với tập đoàn VinGroup, với VinFast.
Và thứ hai, Coteccons sẽ chủ động tìm kiếm cơ hội ở thị trường tiềm năng. Trong đó, Công ty đang đấu thầu một số dự án ở nước ngoài, đồng thời sẽ tiếp tục tham gia đầu tư ở thị trường nước ngoài bằng nhiều cách thức khác nhau như trực tiếp tham gia đấu thầu, liên doanh tham gia dự thầu và cũng có thể là thực mua bán – sáp nhập (M&A) các đơn vị xây dựng tiềm năng ở nước sở tại.
Chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov (ngồi giữa) |
Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov cũng chia sẻ thêm hiện tại Coteccons đã có hoạt động xây dựng ở một số nước. Tuy nhiên, các dự án nước ngoài vẫn còn khiêm tốn trong cơ cấu doanh thu nhưng có tín hiệu tích cực, Coteccons có thể mất từ 2 đến 3 năm nhưng Coteccons đang đi đúng hướng.
“Các dự án xây dựng mà Coteccons tham gia đã bắt đầu mang ngoại tệ về cho Coteccons. Trong đó, Coteccons đang đi chậm mà chắc vì hướng tới phát triển bền vững, đây là thời gian công ty xây dựng nền tảng vững chắc khi tham gia vào thị trường nước ngoài. Vì vậy, Coteccons không muốn nóng vội trong giai đoạn mở đầu”, ông Bolat Duisenov chia sẻ thêm.
Bên cạnh việc quan tâm tới chiến lược mở rộng thị trường ra nước ngoài, cổ đông của Coteccons cũng đã quan tâm tới vấn đề sự chuyển dịch trong cơ cấu doanh thu và tiềm năng lĩnh vực xây dựng hạ tầng, công nghiệp.
Thực tế, ba năm về trước, Coteccons đã có định hướng dịch chuyển từ phân khúc xây dựng dân dụng sang công nghiệp để đón dòng vốn FDI.
Ông Trần Ngọc Hải chia sẻ: “Tính đến năm 2025, backlog của Coteccons khoảng hơn 22.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2024, cơ cấu doanh thu từ mảng xây dựng công nghiệp đóng góp tới 50% tổng doanh thu, lĩnh vực xây dựng dân dụng đóng góp 40% tổng doanh thu, mảng xây dựng dự án nghỉ dưỡng chiếm khoảng hơn 5% tổng doanh thu và còn lại là các lĩnh vực khác”.
Ông Võ Hoàng Lâm, Tổng giám đốc Coteccons |
Ông Võ Hoàng Lâm, Tổng giám đốc Coteccons cho biết thêm: “Trong năm 2024, thị trường bất động sản chưa hồi phục, nhưng mà năm 2024 kết quả kinh doanh tốt nhờ đa dạng trong nguồn thu, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng công nghiệp”.
Được biết, kết thúc niên độ tài chính 2023-2024, Coteccons ghi nhận doanh thu đạt 21.045 tỷ đồng, tăng 30,8% so với năm tài chính 2023 và hoàn thành 105% so với kế hoạch doanh thu 20.000 tỷ đồng; và lợi nhuận sau thuế tăng 343,3%, đạt 299,5 tỷ đồng, hoàn thành 104% so với kế hoạch lãi 288 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại Hội nghị, nhà đầu tư cũng được ban lãnh đạo Coteccons chia sẻ về việc Công ty đã tham gia lĩnh vực hạ tầng. Trong đó, Coteccons có tham các dự án hạ tầng lớn ở Nhơn Trạch (Đồng Nai), Long An, làm đường liên tỉnh nối TP.HCM với Long An, làm các dự án hạ tầng ở dự án Lego …
Dựa trên dự án hạ tầng đã tham gia và tiềm năng trúng thầu các dự án hạ tầng trong tương lai, ông Võ Hoàng Lâm kỳ vọng: “Trong thời gian tới liên quan lĩnh vực xây dựng hạ tầng, Coteccons kỳ vọng doanh thu sẽ chiếm tỷ trọng ngày một lớn hơn trong tương lai gần”.
Và cuối cùng, liên quan tới việc trích lập dự phòng, ông Trần Ngọc Hải chia sẻ trong năm 2024, Công ty đã trích lập dự phòng thêm 275 tỷ đồng, hoàn nhập dự phòng 70 tỷ đồng và nâng tổng trích lập dự phòng là 1.400 tỷ đồng. Trong đó, con số trích lập dự phòng trong năm 2025 dự kiến sẽ thấp hơn rất nhiều, đồng thời công ty có kế hoạch thu hồi sớm công nợ, khi thu hồi sẽ hoàn nhập vào lợi nhuận trong kỳ.
Nói rõ hơn về việc trích lập dự phòng, Chủ tịch Bolat Duisenov nhấn mạnh: “Về nguyên tắc khi có khoản phải thu có nguy cơ, Công ty sẽ chủ động trích lập dự phòng để làm lành mạnh bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, Công ty có bộ phận theo dõi và phân tích rủi ro, vì vậy khi trích lập dự phòng không phải quá tiêu cực, không phải trích lập là mất đi mà Công có bộ phận theo dõi và sẽ tiếp tục thực hiện đòi lại các khoản trích lập này, Công ty tự tin phần lớn tiền này sẽ nhận lại và được hoàn nhập dự phòng trong tương lai”.