Tăng học phí, liệu có tăng chất lượng?
Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến tăng mức học phí của nhiều ngành trong năm học 2021 - 2022. Cụ thể, học phí ngành y khoa, dược học, răng - hàm - mặt là 32 triệu đồng/năm học; học phí ngành điều dưỡng, dinh dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, khúc xạ nhãn khoa, y tế công cộng là 28 triệu đồng/năm học.
Ngành y khoa, răng - hàm - mặt (hệ chính quy) của Trường đại học Duy Tân có mức học phí tới 64 triệu đồng/năm học. Học phí ngành dược sỹ đại học tại trường này là 35,2 triệu đồng/năm, học phí của các ngành đại trà khác từ 19 triệu đồng đến 23 triệu đồng/năm học.
Một trong những trường có mức học phí năm học 2021 - 2022 cao vượt trội là Trường đại học quốc tế Hồng Bàng. Cụ thể, học phí ngành răng - hàm - mặt, y đa khoa từ 91 triệu đồng đến 110 triệu đồng/học kỳ, tùy thuộc chương trình đào tạo bằng tiếng Việt hay tiếng Anh; học phí ngành dược học từ 27,5 triệu đồng đến 42,5 triệu đồng/học kỳ, tùy chương trình đào tạo bằng tiếng Việt hay tiếng Anh; các ngành học khác có học phí từ 25 triệu đồng đến 42,5 triệu đồng/học kỳ.
Theo lý giải của nhiều trường đại học, việc tăng học phí nhằm đáp ứng nhu cầu cao về chất lượng nhân lực y tế khi tốt nghiệp đại học, đồng thời để nhà trường tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, hợp tác quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Cần có lộ trình phù hợp
Những năm gần đây, học phí của nhiều trường y, dược khá cao. Nhiều ý kiến lo ngại, học phí của các trường quá cao sẽ gây khó khăn cho người học. Song cả lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng lãnh đạo các trường đều khẳng định, lộ trình tăng học phí là điều không thể tránh khỏi, khi các trường đại học áp dụng cơ chế tự chủ về tài chính để nâng cao chất lượng đào tạo.
TS. Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn Ủy ban Đổi mới giáo dục và đào tạo quốc gia nhìn nhận, nếu không tăng chi phí đào tạo, trong đó có học phí, chắc chắn không thể nói đến đào tạo có chất lượng hay nguồn nhân lực đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, việc tăng học phí khối ngành sức khỏe chưa thực sự phù hợp. Bác sỹ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội) nêu quan điểm, bác sỹ là một công việc đặc biệt, nên việc tuyển chọn và đào tạo nhân lực y khoa cũng phải có cơ chế đặc biệt. Nếu học phí đào tạo bác sỹ quá cao, chỉ người có tiền mới học được, chất lượng đầu vào sẽ giảm, hệ quả là sẽ tạo ra những bác sỹ “móc túi” bệnh nhân để bù lại chi phí đã bỏ ra.
Nhiều chuyên gia dù đồng tình với việc tăng học phí, song cũng nhấn mạnh, việc tăng học phí, nhất là khối ngành sức khỏe, cần có lộ trình và phù hợp khả năng chi trả, tiếp cận của người học ở các vùng khác nhau, tránh tăng cao đột xuất ở một thời điểm.