Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Sở Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp tổ chức một Hội nghị lớn về kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2020 trong 3 ngày cuối tháng 5/2020.
Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 đã lan rộng ra khắp các nước khiến chuỗi cung ứng trong khu vực và trên thế giới bị gián đoạn, hoạt động sản xuất nông nghiệp và công nghiệp của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất lợi.
Đến nay, sau một thời gian giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp đang tổ chức lại sản xuất, tập trung phát triển thị trường trong nước, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, nâng cao hàm lượng chế biến và giá trị tăng sản phẩm nhằm tiêu thụ nguồn hàng ngay trong nước.
Với mục tiêu đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm trong thời kỳ bình thường mới, chú trọng cung cấp thông tin về tình hình thị trường tiêu thụ nội địa, xuất nhập khẩu trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, Hội nghị kỳ vọng kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến nước ngoài, từ đó thúc đẩy sản xuất, gia tăng bán hàng để có tăng trưởng.
Hội nghị dự kiến sẽ thu hút khoảng 300 đại biểu tham dự gồm: đại diện UBND TP.Hà Nội, Lãnh đạo Bộ Công Thương, các Sở Công Thương của Hà Nội và một số tỉnh lân cận, các Hiệp hội ngành hàng, Đại sứ quán, tổ chức Xúc tiến thương mại các nước và các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, dịch bệnh Covid-19 kéo dài nhiều tháng qua và vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia mà Việt Nam đang xuất khẩu lượng hàng hóa lớn, trong lúc này, thị trường nội địa là nơi có thể giúp doanh nghiệp đứng vững trong khó khăn. Vì vậy, thời điểm này rất cần tạo ra mối kiến liên kết giữa các doanh nghiệp, các địa phương để giúp nhau tiêu thụ sản phẩm.
Được biết, trong giai đoạn 2018-2019, Hà Nội đã ký kết hợp tác toàn diện với 44/63 tỉnh, thành phố, trong đó có việc giao thương, cung ứng hàng hóa (tổ chức 24 hoạt động kết nối tiêu thụ trái cây, nông sản thực phẩm, hoa các loại; 19 tuần lễ trái cây, nông sản các địa phương tại Hà Nội; đã có trên 350 sản phẩm mới được các doanh nghiệp Hà Nội kết nối, tiêu thụ tại thị trường Thủ đô...).
Đặc biệt, các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Sơn La, Ninh Thuận đã đạt trên 1.000 tỷ đồng doanh thu sau khi kết nối các sản phẩm hàng hóa vào các kênh phân phối trên địa bàn Thủ đô.
Với hơn 10 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn, Hà Nội đã, đang và sẽ là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn với mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước.
Dư địa tiêu thụ nông sản của Hà Nội còn rất lớn, khi các doanh nghiệp, hợp tác xã… của thành phố chỉ đáp ứng được 30%-65% nhu cầu của người dân.
Khi doanh nghiệp gặp khó về xuất khẩu do giao thương quốc tế bị hạn chế, nhu cầu tiêu dùng giảm sâu tại nhiều thị trường lớn, thị trường nội địa với gần 100 triệu dân sẽ là điểm tựa lớn cho các doanh nghiệp tăng tiêu thụ. Ngoài ra, với thị trường xuất khẩu, trong khi dịch bệnh đã được khống chế tại khu vực Đông Nam Á, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội kết nối để có đơn hàng xuất khẩu đi các thị trường gần, thêm đầu ra cho hàng hóa để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cho cả năm 2020.