“Trái ngọt” từ tầm nhìn dài hạn
Sau 21 năm tái lập tỉnh, Bình Dương đã thay đổi nhanh chóng và trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư và phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thành quả ấy đến từ việc Bình Dương chủ động, sáng tạo trong đầu tư xây dựng các dự án, công trình trọng điểm mang tính dài hạn, thu hút các nguồn lực để đầu tư hạ tầng bài bản, có tính kết nối đồng bộ.
Tầm nhìn dài hạn của Bình Dương trước hết là ở quy hoạch và đầu tư hệ thống giao thông, đi đầu là Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13. Đến nay, Đại lộ Bình Dương (Quốc lộ 13) trở thành điểm nhấn nổi bật về kiến trúc đô thị, phát triển công nghiệp - dịch vụ của tỉnh.
Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (bên trái) nhận Giấy chứng nhận thành viên WTA từ ông Her Tae Jeong, Chủ tịch WTA |
Bên cạnh đó, tỉnh đã đầu tư phát triển hệ thống giao thông tạo lực quan trọng như đường Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn; nâng cấp, mở rộng đường ĐT743, ba tuyến đường của thị xã Tân Uyên, đường 7A, cầu Ông Cộ, đường ĐT744… Các tuyến đường này vừa phát triển giao thông phục vụ phát triển công nghiệp, vừa kết nối các đô thị vệ tinh xung quanh Thành phố mới Bình Dương; đồng thời, kích thích chuyển dịch nhanh cơ cấu cấu kinh tế các đô thị phía Nam của tỉnh.
Trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, Bình Dương chọn khâu đột phá là xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) gắn với đô thị hóa. Quan điểm nhất quán của tỉnh là xây dựng KCN nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, Bình Dương đã tạo được quỹ đất sạch rộng lớn để phát triển hạ tầng KCN, tạo nên những KCN tốt, hiệu quả. Đến nay, Bình Dương đã phát triển được 29 KCN, trong đó, nhiều KCN đã trở thành thương hiệu, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư.
Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến tháng 9/2018, Bình Dương đã thu hút 3.434 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 31,4 tỷ USD. Quy mô trung bình dự án khoảng 9,1 triệu USD. Với kết quả này, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước (sau TP.HCM và Hà Nội) về thu hút vốn FDI.
Bình Dương luôn xác định, đầu tư phát triển toàn xã hội là một trong những yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế, trong đó, Thành phố mới Bình Dương là điểm nhấn quan trọng, tạo nền tảng thu hút mạnh mẽ đầu tư. Con số trên 900.000 lao động khắp nơi về lập nghiệp là minh chứng sống động, Bình Dương là “vùng đất vàng” của sự phát triển toàn diện.
Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhìn nhận, việc Bình Dương phát triển để trở thành nơi đáng sống, đáng đầu tư không chỉ xuất phát từ sự kế thừa hay điều kiện tự nhiên. Để xây dựng một Bình Dương như hôm nay, chính là nhờ tầm nhìn dài hạn của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh cùng với sự đầu tư mang tính hiệu quả, bền vững.
Vì sao Bình Dương tổ chức Hội nghị WTA?
Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) thành lập năm 1998 tại TP. Daejeon (Hàn Quốc). Đây là tổ chức quốc tế đa phương, được thành lập với mục đích kết nối các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để hỗ trợ phát triển các vùng, khu vực ít phát triển, tăng cường phát triển song phương, đa phương thông qua các hoạt động trao đổi và hợp tác giữa các thành phố khoa học, đóng góp vào sự thịnh vượng chung thông qua các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Như vậy, WTA là nơi kết nối các tiến bộ khoa học kỹ thuật để hỗ trợ cho sự phát triển. Trong khi, Bình Dương đang là địa phương đi đầu trong thu hút đầu tư, hợp tác, chuyển giao công nghệ tại Việt Nam. Có thể nói, WTA cần Bình Dương và ngược lại, Bình Dương cũng cần WTA để thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực hiện các mục tiêu tham vọng đã đề ra.
Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương - nơi tổ chức Hội nghị WTA 2018 |
Trước đó, Daejeon - thành phố kết nghĩa với Bình Dương - đã đồng hành và giới thiệu tỉnh Bình Dương với WTA. Tháng 8/2018 vừa qua, trong chuyến công tác của đoàn lãnh đạo tỉnh Bình Dương đến TP. Daejeon, ông Her Tae Jeong, tân Thị trưởng TP. Daejeon, đồng thời là Chủ tịch WTA, đã chính thức trao chứng nhận Bình Dương trở thành thành viên của WTA. Đồng thời, Bình Dương được chọn là nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh WTA 2018.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, việc được chọn lựa để đăng cai tổ chức Hội nghị lần này đã khẳng định vị thế quốc tế của Bình Dương, ngay sau khi được chính thức kết nạp vào WTA. Bình Dương sẽ đón tiếp lãnh đạo UNESCO và hơn 100 đại diện thành viên WTA là các thị trưởng, các chủ tịch trường đại học, viện nghiên cứu, lãnh đạo doanh nghiệp từ hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Các bên sẽ cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, tầm nhìn về quản trị và phát triển bền vững các đô thị khoa học - kỹ thuật trên thế giới, với đề tài chủ đạo là “Thành phố thông minh với vai trò là động lực đổi mới sáng tạo để phát triển bền vững”, từ đó tạo nên những kết nối quan trọng trong tiến trình toàn cầu hóa.
Cơ hội lớn để bứt phá
Ông Trần Thanh Liêm cho biết thêm, WTA và các thành viên cùng theo đuổi giá trị cốt lõi, cũng như các mô hình chung về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tiêu biểu là mô hình “ba nhà” hướng tới thành phố thông minh, rất tương đồng với tỉnh Bình Dương. Vì vậy, những thành công mang tính đột phá nền tảng của Bình Dương nhằm hướng tới thành phố thông minh, đổi mới, sáng tạo đã được WTA quan tâm, nghiên cứu hợp tác.
Trở thành thành viên WTA sẽ mở ra cơ hội lớn cho Bình Dương trong hợp tác quốc tế, quảng bá mạnh mẽ thương hiệu và thu hút đầu tư. Đặc biệt, đây sẽ là cơ sở để Bình Dương thúc đẩy giao lưu với các đô thị khoa học trên khắp thế giới, trao đổi nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị, trình độ khoa học - kỹ thuật, chuyển giao công nghệ tiên tiến, chia sẻ chiến lược phát triển, góp phần to lớn vào chương trình đột phá toàn diện kinh tế - xã hội Bình Dương, hướng tới trở thành đô thị thông minh.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC), Bình Dương đã xây dựng được “thương hiệu” trong thu hút các nguồn lực đầu tư, mà minh chứng rõ nhất là nhiều tập đoàn lớn mang tầm cỡ quốc tế đến tỉnh tìm hiểu và đầu tư. Hiệu quả từ sự hợp tác quốc tế giữa các thương hiệu toàn cầu với các doanh nghiệp của tỉnh cũng tạo nên sức hút riêng của Bình Dương.
Chẳng hạn, các KCN VSIP được đầu tư bởi liên doanh giữa Tập đoàn Sembcorp Development (Singapore) và Becamex IDC đến nay đã thu hút được hơn 9 tỷ USD của 630 doanh nghiệp đến từ 60 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 37 tỷ USD và trở thành hình mẫu trong thu hút đầu tư của cả nước. Hiện, liên doanh này đang triển khai đầu tư xây dựng mô hình liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị đầu tiên của Việt Nam.
Hay, Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) hợp tác với Becamex IDC để thành lập liên doanh triển khai các dự án có số vốn đăng ký 1,2 tỷ USD. Liên doanh này đang là “chủ công” trong việc đầu tư, thực hiện các dự án hạ tầng, bất động sản… tại Thành phố mới Bình Dương.
Gần đây nhất là hai dự án hợp tác quan trọng, gồm Dự án Logistics thông minh với sự ra đời của liên doanh BW Industrial (được thành lập giữa Becamex IDC và Tập đoàn Warburg Pincus - một quỹ đầu tư tư nhân toàn cầu có trụ sở chính tại Hoa Kỳ) và Dự án Hợp tác về công nghệ thông tin, viễn thông giữa Becamex IDC và Tập đoàn NTT (Nhật Bản).
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Bình Dương hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong đó có việc tổ chức Hội nghị WTA hay tới đây là Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á 2018 (Horasis) với sự tham gia của khoảng 700 CEO từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước sẽ giúp Bình Dương có cơ hội để mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế; đồng thời, có thêm cơ sở để Bình Dương hiện thực hóa các kế hoạch bứt phá phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, xây dựng thành phố thông minh trong thời gian tới.