Thời sự
Hội thảo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)
Thanh Sơn - 24/08/2016 21:57
Chiều nay (24/8), tại thành phố Hải Phòng, Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Hải Phòng và KCN Đình Vũ sẽ tổ chức hội thảo về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
TIN LIÊN QUAN

Hội thảo đã thu hút hơn 80 đại biểu đến từ các Doanh nghiệp ở Hải Phòng, Hà Nội, đại diện các đại sứ quán EU tại Việt Nam. Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp thông tin về những đổi thay trong việc tiếp cận thị trường, các quy định về trao đổi thương mại, ý nghĩa đối với thị trường khu vực và đối với cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.

EVFTA đã được Việt Nam thông qua vào ngày 01/2/2016 và sẽ có hiệu lực từ năm 2018. Hiệp định này sẽ kết nối Việt Nam tới một khu vực có tổng GDP là 18.000 tỷ USD với hơn 500 triệu khách hàng tiềm năng. Hiện nay Liên minh EU cũng là khu vực nhập khẩu lớn nhất với hơn 16% tổng kim ngạch xuất khẩu thế giới. Việt Nam đã thiết lập 9 hiệp định tự do thương mại, và 7 hiệp định khác đang trong quá trình đàm phán.

Hội thảo thu hút được sự quan tâm của DN trong và ngoài nước. Ảnh: Thanh Tân

Bên cạnh những lợi ích từ việc cắt giảm thuế quan, Hiệp định EVFTA có các cơ chế, quy định rõ ràng và hiệu quả liên quan tới thương mại hàng hóa của Hiệp định sẽ là cơ sở bền vững và nhất quán cho quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – EU, thúc đẩy các giải pháp đối với các vấn đề và thách thức về các quy định kỹ thuật cũng như quản lý hiệu quả hoạt động xuất khẩu từ Việt Nam sang EU. Với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, mua sắm công, và cam kết về chính sách đầu tư, doanh nghiệp nhà nước, minh bạch hóa chính sách, Hiệp định sẽ thúc đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao của EU vào Việt Nam.

“EU là một thị trường đồng nhất với 28 quốc gia thành viên, gồm 508 triệu dân. Hàng hóa vào EU sẽ phải đáp ứng những tiêu chuẩn ngặt nghèo, nhưng khi đã đạt chuẩn, hàng hóa có thể vào các quốc gia riêng lẻ trong toàn khối”. Bà Miriam Garcia Ferrer, Trưởng bộ phận Thương mại và Kinh tế thuộc Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết.   

Ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế. Sau 7 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99% số dòng thuế. Đối với các hàng hóa còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Dệt may, giày dép và thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên). EU sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho các sản phẩm của Việt Nam trong vòng 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Việt Nam cam kết xóa 65% dòng thuế cho hàng hóa EU ngay khi hiệp định có hiệu lực. Trong vòng 10 năm, Việt Nam xóa trên 99% dòng thuế, còn lại sẽ áp dung hạn ngạch thuế quan với mức thuế trong hạn ngạch là 0%. Với các sản phẩm ôtô, xe máy, Việt Nam cam kết đưa thuế nhập khẩu về 0% sau từ 9 tới 10 năm; riêng xe máy có dung tích trên 150 cm3 có lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu là 7 năm. Phụ tùng xe ôtô sẽ được miễn thuế sau 7 năm. Hàng hóa là máy móc, thiết bị của EU vào Việt Nam sẽ có thuế nhập khẩu về 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực hoặc tối đa là 5 năm. Rượu vang, bia, thịt lợn và thịt gà được xóa bỏ thuế nhập khẩu trong thời gian tối đa là 10 năm.

Theo phân tích của ông Claudio Dordi, Tư vấn trưởng Dự án EU – MUTRAP, hiện nay, Việt Nam đang hưởng lợi từ Hệ thống ưu đãi phổ cập GSP – là một hệ thống đơn phương mà theo đó các nước phát triển cho các nước đang phát triển hưởng chế độ ưu đãi bằng cách giảm hoặc miễn thuế. Các ưu đãi GSP là kết quả từ quyết định đơn phương của EU, nghĩa là các ưu đãi về thuế (thuế lợi thế) có thể được bãi bỏ hoặc cắt giảm vì lý do chính trị hoặc khi các nước thụ hưởng có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hoặc tăng trưởng xuất khẩu lớn. Còn với EVFTA, ông Claudio Dordi khẳng định đây là hiệp định không chỉ giới hạn ở đơn phương ưu đãi thuế quan mà mục tiêu chính là việc loại bỏ thuế quan và các rào cản thương mại khác cho các nước thành viên.

Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn là một trong những quốc gia năng động nhất trong việc đàm phán và thực thi các hiệp định thương mại tự do, khẳng định vị trí chiến lược và tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất và thương mại của thế giới. Châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác nhập khẩu lớn thứ 11 của châu Âu. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia được các doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào nhiều nhất tại Đông Nam Á (900 doanh nghiệp). Với hiệp định này, doanh nghiệp châu Âu sẽ tiếp cận được nhiều thị trường mới đã có hiệp định thương mại với Việt Nam mà EU chưa có như Trung Quốc, Ấn Độ và Úc. Quy tắc xuất xứ của hiệp định sẽ vừa là thách thức vừa là cơ hội để thu hút các ngành công nghiệp phụ trợ, cải thiện chuỗi cung ứng và tỉ lệ nội địa hóa của Việt Nam.

Trước đó, sáng nay (24/8), Tổ hợp khu công nghiệp Deep C đã tổ chức chuyến tham quan thực địa trong khuôn khổ chương trình hội thảo để giới thiệu về tiến độ phát triển công nghiệp tại Hải Phòng và tiềm năng từ cảng nước sâu Lạch Huyện. Mục đích là để các nhà đầu tư và doanh nghiệp hiểu rõ các cơ hội và thách thức nhằm khai thác tốt nhất các hiệp định thương mai tự do như EVFTA.

Tin liên quan
Tin khác