Ngân hàng - Bảo hiểm
Hơn 100 triệu cổ phiếu KLB của Kienlongbank đã được trao tay
Thùy Vinh - 12/11/2020 15:18
Theo dữ liệu giao dịch Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong 10 phiên giao dịch gần nhất (30/10 – 10/11) đã có tổng cộng gần 103,2 triệu cổ phiếu KLB được các nhà đầu tư trao tay.

Tương ứng với giá trị giao dịch tổng cộng gần 103,2 triệu cổ phiếu KLB của Kienlongbank được các nhà đầu tư trao tay gần 1.403 tỷ đồng.

Đây hoàn toàn là giao dịch nội khối của các nhà đầu tư trong nước. Đồng thời cũng là mức giao dịch cao nhất kể từ khi cổ phiếu KLB lên giao dịch trên thị trường UPCoM.

Trong đó, hơn 99,8% lượng cổ phiếu trên (tương đương hơn gần 103 triệu cổ phiếu với giá trị đạt hơn 1.401 tỷ đồng) được giao dịch thỏa thuận và chỉ có vỏn vẹn hơn 188.000 cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh trên sàn.

Các giao dịch thỏa thuận cổ phiếu diễn ra đều đặn trong 7/10 phiên giao dịch gần đây với mức bình quân 10,3 triệu đơn vị/phiên, đỉnh điểm là ngày 30/10 khi có xấp xỉ 26,2 triệu cổ phiếu KLB được trao tay giữa các nhà đầu tư theo phương thức này.

Khối lượng giao dịch chỉ trong 10 phiên gần nhất đã bằng hơn 32% tổng số cổ phần đang lưu hành trên thị trường của Kienlongbank.

Kết thúc phiên sáng 12/11, giá cổ phiếu KLB giao dịch ở mức 12.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 37% so với hồi đầu năm 2020.

Tính đến ngày 31/12/2019, Kienlongbank có 95,54% cổ đông cá nhân, 3,29% cổ đông tổ chức và 1,17% cổ phiếu quỹ. Mặt khác, tại ngày 30/06/2020, Ngân hàng công bố không có cổ đông lớn.

Trong đó, ông Võ Quốc Lợi, con trai ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng) - nguyên Chủ tịch HĐQT Kienlongbank nắm giữ hơn 15,17 triệu cổ phiếu KLB, tương đương 4.74% tại ngày 14/09/2018.

Đồng thời, ông Phạm Trần Duy Huyền – Phó Chủ tịch Kienlongbank hiện đang nắm giữ hơn 14 triệu cổ phiếu KLB (tương đương 4,428%), ông Huyền được cho là người có liên quan với ông Võ Thành Phan – anh trai của ông Võ Quốc Thắng.Ngoài ra, bà Nguyễn Thụy Quỳnh Hương, Thành viên HĐQT Kienlongbank cũng đang nắm giữ hơn 13,2 triệu cổ phiếu KLB (tương đương 4,13% vốn).

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, thu nhập lãi thuần của Kienlongbank giảm 11% so với cùng kỳ, còn gần 791 tỷ đồng. Lợi nhuận trước và sau thuế giảm 39% và 38%, chỉ còn gần 145 tỷ đồng và gần 116 tỷ đồng.

Nguyên nhân do Kienlongbank phải trích lập dự phòng cao khi liên quan đến khoản nợ thế chấp bằng cổ phiếu STB của Sacombank đang được Kienlongbank xử lý.9 tháng đầu năm nay, Kienlongbank phải trích lập đến 83,2 tỷ đồng, tăng 96% so với cùng kỳ, tác động tiêu cực lên lợi nhuận.

Hiện tại, Kienlongbank đã nhận được đầy đủ hợp đồng ủy quyền có công chứng từ các khách hàng vay và chủ sở hữu tài sản về việc đồng ý cho ngân hàng thực hiện chào bán tài sản bảo đảm là cổ phiếu của STB nhằm thu hồi nợ trong năm 2020. Xử lý xong khoản nợ này sẽ đóng góp đáng kể vào lợi nhuận năm 2020 của Kienlongbank đặt ra ở mức 750 tỷ đồng trước thuế.

Tin liên quan
Tin khác