Thanh long ruột đỏ của Việt Nam lần đầu tiên được tham gia Hội chợ Quốc tế thực phẩm và đồ uống lần thứ 42 FOODEX 2017, diễn ra tại Trung tâm triển lãm Makuhari Messe, tỉnh Chiba, Nhật Bản từ 7 đến 10/3.
Sự kiện này đánh dấu sự có mặt chính thức của thanh long ruột đỏ tại thị trường khó tính này. Sau hội chợ, lô hàng đầu tiên sẽ được bày bán chính thức trong hệ thống siêu thị Mami tại 2 tỉnh Saitama và Niigata.
Sau khi được sự chấp thuận của phía Nhật Bản, lô hàng hơn 1.000 kg thanh long ruột đỏ đầu tiên vận chuyển bằng đường hàng không đã được bàn giao cho Công ty CGC Japan để phân phối tại Hệ thống siêu thị Mami tại Nhật. Lô hàng tiếp theo khoảng 15 tấn vận chuyển bằng đường biển dự kiến sẽ đến Nhật Bản vào cuối tháng này.
Theo đánh giá của phía Nhật Bản, loại thanh long ruột trắng được nhập khẩu vào Nhật từ vài năm đã có doanh thu ấn tượng khoảng 2,5 triệu USD cho thấy những kỳ vọng đối với loại thanh long ruột đỏ lần này.
Thanh long ruột đỏ được giới thiệu tại Hội chợ Quốc tế thực phẩm và đồ uống lần thứ 42 FOODEX 2017. |
Năm ngoái tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thực phẩm chế biến của Việt Nam vào Nhật Bản tăng rất nhanh, khoảng 140%. Các doanh nghiệp nông sản Việt Nam đang kỳ vọng, tới đây các mặt hàng rau quả như vải tươi, vú sữa cũng sẽ sớm có mặt tại thị trường tiềm năng này.
Trước đó, tháng 1/2017, Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia công bố bản báo cáo khuyến nghị cho phép nhập khẩu thanh long từ tất cả các vùng sản xuất của Việt Nam, nếu đáp ứng được các điều kiện về an toàn sinh học. Theo thông tin từ Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, trước khi hai bên có thể tiến hành việc xuất nhập khẩu thanh long Việt Nam, Chính phủ hai nước cần hoàn tất một số bước đi cuối cùng. Trong đó có việc thiết lập các quy trình hoạt động tiêu chuẩn cho các cơ sở xử lý thanh long bằng hơi nước và hoàn tất các điều kiện nhập khẩu đối với thanh long của Việt Nam.
Với diện tích gần 30.000 ha, Việt Nam được đánh giá là nước trồng và xuất khẩu thanh long lớn nhất thế giới. Hiện, thanh long Việt đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia, trong đó thị trường lớn nhất là Trung Quốc.