Các dự án này được đầu tư tại 10 tỉnh của Vùng Tây Bắc.
Bên cạnh đó, các bên cũng đã ký các thỏa thuận đầu tư cho 16 dự án, với tổng vốn đầu tư 16.816 tỷ đồng. Thỏa thuận cho vay tín dụng đối với 15 dự án, với tổng ngân khoản trên 20.780 tỷ đồng cũng đã được ký kết.
Như vậy, chỉ riêng phần cam kết đầu tư vào Tây Bắc đã lên tới trên 27.000 tỷ đồng. Đây là kết quả đáng ghi nhận, khẳng định sự thành công của Hội nghị Xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Vùng Tây Bắc.
Tối qua, tại Đêm giao lưu Góp sức cùng đồng bào Tây Bắc, các ngân hàng, doanh nghiệp đã ủng hộ cho đồng bào Tây Bắc 543,665 tỷ đồng. Trong số này, Báo Đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã ủng hộ 350 triệu đồng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, năm 2012, trong hoàn cảnh khó khăn chung, các tỉnh Tây Bắc đã có sự vươn mình, đạt tốc độ tăng trưởng khá và tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. “Nhiều địa phương trong Vùng Tây Bắc đã tạo môi trường đầu tư tốt hơn, cạnh tranh hơn cho các nhà đầu tư. Vì vậy, nhiều sản phẩm mới, có tính cạnh tranh đã được sản xuất ở Tây Bắc, như đồng đỏ, khoáng sản”, Phó Thủ tướng khẳng định và cho rằng, đây là những yếu tố làm tiền đề để các tỉnh Tây Bắc tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn hơn, nhằm thu hút đầu tư vào các địa phương trong Vùng.
“Hội nghị này chính là dịp để bên cạnh việc khuyến khích người dân vươn lên làm giàu, sẽ giới thiệu tiềm năng, lợi thế của Vùng Tây Bắc, để thu hút đầu tư, đặc biệt là vào các dự án trọng điểm, nhằm phát triển kinh tế - xã hội Vùng Tây Bắc, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và chỉ đạo, sau Hội nghị, điều quan trọng là các địa phương trong Vùng phải liên kết để phát triển, bởi không thể và không nên mỗi tỉnh là một vùng kinh tế khác nhau.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, điều quan trọng trong thời gian tới, phải tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến đầu tư cho kết cấu hạ tầng, mà trực tiếp là hạ tầng giao thông; đầu tư cho phát triển sản xuất và đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực Vùng Tây Bắc.
“Giao thông phát triển sẽ khiến Tây Bắc gần hơn với các trung tâm kinh tế khác, giúp các kế hoạch đầu tư, an sinh xã hội được thực hiện. Phải đẩy nhanh việc xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, bởi tuyến đường xuyên Á này sẽ giúp kết nối với Côn Minh (Trung Quốc). Tuyến đường huyết mạch này cũng sẽ không chỉ kết nối Lào Cai với Hà Nội, mà địa phương khác trong Vùng cũng có sự kết nối như vậy”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và cho rằng, kết cấu hạ tầng là điều kiện tiên quyết để phát triển Tây Bắc, vì thế phải tập trung sử dụng các để đầu tư, phát triển.
Cũng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đầu tư cho sản xuất, khai thác lợi thế về nông - lâm nghiệp, du lịch… cũng cần được đẩy mạnh, bởi chỉ có để người dân có thu nhập từ sản xuất mới cách để giải quyết an sinh xã hội một cách bền vững nhất.
Trong khi đó, đầu tư cho nguồn nhân lực chính là một phương thức để Vùng Tây Bắc phát triển, nhằm đáp ứng nhu cầu cho các nhà đầu tư.
“Đây chính là ba hướng quan trọng cần đầu tư vào Vùng Tây Bắc. Chúng tôi sẽ tích cực để tham mưu Chính phủ các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư nhiều hơn vào vùng này”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định.
Nguyên Đức