Hội nghị có ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đến tham dự và phát biểu chỉ đạo; đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương và gần 500 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, Tổ chức, Hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông và báo chí. Trong đó, có nhiều Tập đoàn kinh tế lớn, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Là một trong 5 tỉnh thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, Thừa Thiên – Huế là trung tâm văn hóa lịch sử, du lịch, giáo dục, y tế của cả nước, có vị trí địa lý chiến lược, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Thừa Thiên – Huế có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, công nghiệp, nông nghiệp và kinh tế biển. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên – Huế còn gặp nhiều hạn chế, thách thức.
Hội nghị Xúc tiến đầu tư và Phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2016 ngày 8/8. |
Việc tổ chức Hội nghị lần này thể hiện quyết tâm của tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc đổi mới công tác xúc tiến đầu tư và phương thức hỗ trợ nhà đầu tư theo hướng cụ thể, chuyên nghiệp, nhanh chóng và hiệu quả vì lợi ích của tỉnh và nhà đầu tư.
Hội nghị đã xác định rõ các mục tiêu là nhằm giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư và quảng bá xúc tiến du lịch vào tỉnh Thừa Thiên Huế, công bố những mục tiêu nổi bật của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 và những đổi mới trong công tác kêu gọi đầu tư và phát triển du lịch để tạo động lực và đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hội nghị cũng là diễn đàn tập hợp, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, gặp gỡ, đối thoại với chính quyền, doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh tại địa bàn tỉnh; cùng đưa ra định hướng, giải pháp phát triển du lịch cho tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về du lịch.
Hội nghị được tổ chức cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia khảo sát vùng trọng điểm kêu gọi đầu tư và phát triển du lịch tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh và tổ chức Kết nối kinh doanh (Business Maching) trao đổi thương mại, du lịch và đầu tư giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư ngoài tỉnh với các doanh nghiệp tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bên cạnh đó, tại Hội nghị này cũng công bố những kết quả đổi mới công tác xúc tiến đầu tư và kết quả thu hút đầu tư.
Tại Hội nghị, ông Lê Trường Lưu, Bí thư tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ: ”Thời gian qua, tình hình công tác hỗ trợ kêu gọi đầu tư đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng tập trung trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả. Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cũng đã có nghị quyết chuyên đề về công tác xúc tiến đầu tư và hỗ trợ đầu tư nhằm tạo ra sự đồng thuận, thống nhất trong nội bộ chính quyền và nhân dân và mục tiêu của tỉnh là làm thế nào để hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh”
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Cao Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vucng đã khái quát những tiềm năng và định hướng phát triển của tỉnh. Theo đó tỉnh ưu tiên hai hướng chiến lược. Một là: đột phá Huế trở thành thành phố “di sản” với nguyên lý cốt lõi là sự kết hợp hài hòa giữa cái xưa và cái mới, giữa truyền thống và hiện đại; nâng đẳng cấp quốc tế của thương hiệu “Điểm đến 05 di sản”; biến lợi thế của tỉnh trở thành nơi chăm sóc sức khỏe - nghỉ dưỡng đẳng cấp cao. Hai là: đột phá Chân Mây – Lăng Cô trở thành thành phố đối đẳng Huế, kết cặp với Đà Nẳng mà ở đó sẽ hình thành một đô thị biển kết nối tạo nên hành lang đô thị trọng điểm miền Trung Huế - Chân Mây - Đà Nẵng - Chu Lai - Dung Quất - Nhơn Hội - Vân Phong, là một tổ hợp phát triển hiện đại, cảng biển cộng với công nghiệp sáng tạo và du lịch nghỉ dưỡng.
Thay mặt cho chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Cao cũng cam kết: ”Chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết với các nhà đầu tư sẽ tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi và hiệu quả và sẽ luôn sẵn sàng gặp mặt tiếp xúc với các doanh nghiệp, với các nhà đầu tư để lắng nghe, trao đổi và tháo gỡ những khó khăn cũng như chỉ đạo xử lý kịp thời nhất để hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Nhằm mục đích thu hút và tìm kiếm các cơ hội đầu tư, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã xây dựng các chính sách ưu đãi, cải thiện môi trường kinh doanh của địa phương như: Cam kết hỗ trợ hạ tầng đến tận chân hàng rào các dự án; Cam kết cung cấp nguồn lao động hỗ trợ đào tạo nguồn lao động địa phương; Cam kết đối thoại đồng hành hỗ trợ nhà đầu tư, đi cùng nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục hành chính theo luật định…
Từ cuối năm 2015, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã quan tâm, triển khai nhiều dự án tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, nhiều công trình, dự án lớn đã được thực hiện như: khởi công xây dựng hạ tầng KCN Phong Điền, thiết lập đường bay Huế – Bangkok, Huế – Đà Lạt và Huế - Nha Trang, đón tàu khách du lịch quốc tế cỡ lớn và rất nhiều dự án có quy mô đang được nghiên cứu đầu tư như các khu du lịch nghỉ dưỡng, các nhà máy sản xuất, nâng cấp Cảng hàng không, xây dựng bến cảng...
Để kêu gọi và tiếp tục thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên - Huế cam kết sẽ đồng hành cùng nhà đầu tư thực hiện, hỗ trợ các thủ tục liên quan từ khâu nghiên cứu, lập dự án, đến các thủ tục đền bù, thuê đất, xây dựng, triển khai dự án. Chính quyền tỉnh sẽ luôn lắng nghe, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thi công dự án cũng như khi dự án đã đi vào sản xuất kinh doanh.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ hoan nghênh và đánh giá cao tính chủ động, sự cố gắng, nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên - Huế và BIDV trong việc tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch.
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Thừa Thiên – Huế cần có lộ trình cụ thể để sớm đưa các dự án vào triển khai thực hiện, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tỉnh Thừa Thiên – Huế cần có cơ chế chế tiếp nhận ý kiến, giải đáp thắc mắc của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, nguồn lực tài chính để xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học – công nghệ…
Tại Hội nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao 16 Giấy chứng nhận đầu tư với tổng mức đầu tư 7.744,5 tỷ đồng và ký 06 Thỏa thuận hợp tác với các đối tác, nhà đầu tư. |
BIDV tham gia Hội nghị với 04 vai trò: Đơn vị khởi xướng và đồng tổ chức; Đơn vị hỗ trợ kêu gọi, vận động các nhà đầu tư doanh nghiệp nghiên cứu khảo sát để quyết định đầu tư vào tỉnh Thừa Thiên - Huế; Nhà tài trợ và Ngân hàng cung ứng tín dụng cho các dự án. Tại Hội nghị, BIDV cam kết hỗ trợ Tỉnh Thừa Thiên – Huế triển khai xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.
BIDV cam kết dành vốn tín dụng hỗ trợ phát triển các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2018, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực có tiềm năng là: Công nghiệp, Thương mại và dịch vụ, Nông nghiệp công nghệ cao. Để hỗ trợ tỉnh kết nối doanh nghiệp, thu hút đầu tư , BIDV xem xét hỗ trợ, phối hợp với tỉnh tổ chức các chương trình, sự kiện quảng bá, thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh; đồng thời giới thiệu các nhà đầu tư tiềm năng, đầu tư đồng bộ từ cơ sở hạ tầng để đầu tư vào tỉnh đặc biệt là vào Khu kinh tế Chân Mây như: VSIP, FLC, CPG Corporation…,. Ngoài ra, BIDV sẽ tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội, đào tạo nguồn nhân lực như xây dựng trường mẫu giáo, trạm y tế, hỗ trợ thiên tai, người nghèo tại tỉnh.
Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà cho biết thêm: “Để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Thừa Thiên - Huế, BIDV cam kết đồng hành với các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Không chỉ rót vốn, cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu, BIDV còn xuyên suốt quá trình sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi, thời gian dài nhất”.
Tại Hội nghị, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao 16 Giấy chứng nhận đầu tư với tổng mức đầu tư 7.744,5 tỷ đồng và ký 06 Thỏa thuận hợp tác với các đối tác, nhà đầu tư. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ký kết thỏa thuận tài trợ Quy hoạch du lịch Tỉnh Thừa Thiên Huế với tổng mức tài trợ là 7 tỷ đồng. Ngoài ra, BIDV ký kết các thỏa thuận/hợp đồng nguyên tắc tài trợ vốn tín dụng cho 08 dự án với tổng mức đầu tư 5.046 tỷ đồng.
Hội nghị xúc tiến đầu tư và Phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2016 đã kết thúc thành công tốt đẹp. Tại Hội nghị lần này tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành Trung ương, các tỉnh bạn, tổ chức quốc tế cùng đông đảo các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Được dư luận đánh giá cao, một lần nữa khẳng định sự thành công của công tác đổi mới xúc tiến và hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Thừa Thiên Huế. Với kết quả ghi nhận được, Hội nghị đã gây ấn tượng tốt trong cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước về tỉnh Thừa Thiên - Huế - Một điểm đến thông thoáng với nhiều cơ hội đầu tư thành công để mở ra nhiều triển vọng hợp tác đầu tư và thu hút đầu tư vào tỉnh Thừa Thiên - Huế trong thời gian tới.