Ngân hàng - Bảo hiểm
Hơn 91% đại biểu nhất trí thông qua Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi
T.L - 18/01/2024 09:17
Sáng nay (18/1), với 91,25% đại biểu tán thành, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chính thức được thông qua. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024 ngoại trừ một số quy định đặc biệt.

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gồm 15 chương, 210 điều. So với dự thảo công bố trước đó, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được thông qua có nhiều chỉnh lý, bổ sung quan trọng.

Về hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng (tại Điều 5, Điều 113), Luật đã bổ sung quy định cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. Đồng thời, giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng để phù hợp với tính chất và hoạt động của lĩnh vực ngân hàng.

Về can thiệp sớm tổ chức tín dụng, Luật chỉnh lý theo hướng Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt việc can thiệp sớm. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm theo dõi, giám sát và bảo đảm thực trạng của tổ chức tín dụng đã khắc phục được tình trạng dẫn đến can thiệp sớm. Quy định này nhắm thống nhất với việc Ngân hàng Nhà nước có văn bản áp dụng can thiệp sớm.   

Về tỷ lệ sở hữu cổ phần (Điều 63), Luật quy định: Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.  Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 05% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác.

Như vậy, tỷ lệ sở hữu đã bị siết giảm so với quy định hiện hành. Thảo luận tại Hội trường ngày 15/1, nhiều đại biểu cho rằng, việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần của các tổ chức tín dụng sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến các cổ đông hiện hữu và kể cả các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư tiềm năng, nhất là khi các cổ đông này đã và dự kiến sở hữu cổ phần một cách minh bạch; việc điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo.

Lý giải cho việc giữ nguyên quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là một trong các biện pháp hạn chế tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng thông qua giúp tăng số lượng các cổ đông, tăng tính đại chúng cũng như đa dạng hóa cơ cấu cổ đông của các tổ chức tín dụng phù hợp với định hướng Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 để hạn chế việc chi phối, thâu tóm, bảo đảm tính đại chúng của tổ chức tín dụng.

Về giới hạn cấp tín dụng (Điều 136) đã đưa ra một lộ trình 5 năm trong việc giảm giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó.

Cụ thể, từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành đến trước ngày 1/1/2026: 14% vốn tự có đối với một khách hàng; 23% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó. Các tỷ lệ này giảm lần lượt 1% mỗi năm và trở về mức 10% vốn tự có đối với một khách hàng; 15% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó kể từ ngày 1/1/2029.    

Đây là dự án luật có nhiều nội dung chuyên sâu, có tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô. Các quy định trong dự luật được kỳ vọng sẽ giúp hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, ổn định và bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp tục phát huy vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.

Tin liên quan
Tin khác