Ngày 1/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong số 620.477 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung, 567.018 em đã trúng tuyển trong đợt 1, đạt tỷ lệ lệ 91,4%.
Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Đại học Phenikaa. |
Sau khi kết thúc thời hạn đăng ký nhập học trực tuyến, thống kê cho thấy, có 463.440 thí sinh trúng tuyển hoàn thành xác nhận nhập học, đạt tỷ lệ 81,7% số thí sinh trúng tuyển.
Năm 2022, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học là 63%, năm 2021 chỉ đạt 55,3% thí sinh trúng tuyển nhập học.
Được biết, năm 2022, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh đã được triển khai đồng bộ từ khâu đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển và nộp phí xét tuyển, xác nhận nhập học được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay thí sinh được bảo đảm cơ hội trúng tuyển tối đa khi được đăng ký nguyện vọng sau khi có điểm thi và điểm sàn; được bảo đảm quyền lựa chọn trường, chọn ngành theo nguyện vọng mong muốn; không còn tình trạng gửi giấy báo trúng tuyển tràn lan tới thí sinh.
Các trường đại học được bảo đảm cạnh tranh một cách bình đẳng và minh bạch, thực hiện công tác xét tuyển thuận tiện, giảm bớt nhiều quy trình, thủ tục riêng. Tỷ lệ thí sinh ảo giảm, các trường tuyển sát hơn với chỉ tiêu.
Năm nay có hơn 300 cơ sở đào tạo (bao gồm cả phân hiệu trường đại học và trường cao đẳng) tham gia xét tuyển, với 18.000 mã xét tuyển (theo ngành đào tạo và phương thức tuyển sinh), hơn 620.000 thí sinh đăng ký xét tuyển và 3,1 triệu nguyện vọng.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ thí sinh ảo giảm hẳn trong kỳ tuyển sinh năm nay, đồng nghĩa với việc các trường tuyển sát hơn với chỉ tiêu.
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đóng cổng hệ thống xác nhận nhập học vẫn có hàng trăm trường đại học xét tuyển bổ sung ở nhiều khoa và chỉ tiêu khác nhau.
Từ tháng 10 đến tháng 12, các trường sẽ cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định. Trước ngày 31/12, cơ sở đào tạo báo cáo kết quả tuyển sinh năm 2022 về Vụ Giáo dục đại học.
Đáng chú ý trong số các trường đã thông báo xét tuyển bổ sung có các trường đại học công lập lớn vẫn còn nhiều chỉ tiêu xét tuyển đợt 2 ở nhiều ngành hot.
Tổng kết mùa tuyển sinh năm nay một số chuyên gia giáo dục cho rằng việc Bộ sử dụng phần mềm lọc ảo vẫn chưa được như kỳ vọng nên hiện nay rất nhiều trường đại học vẫn thiếu chỉ tiêu.
Thậm chí có tỷ lệ không nhỏ thí sinh trúng tuyển đại học nhưng không có nhu cầu xác nhận nhập học. Nguyên nhân là do các em trúng tuyển ngành không yêu thích hoặc do học phí tăng cao nên đổi ngành hoặc chuyển sang học nghề.
Một nguyên nhân nữa là do các thí sinh tham gia xét tuyển đã có hướng lựa chọn khác như xuất khẩu lao động, học nghề nên vẫn chưa xác nhận trúng tuyển.
Nói về công tác tuyển sinh đại học 2023, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trên cơ sở các số liệu về tuyển sinh năm 2022, Bộ sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo phân tích, đánh giá và tổng kết những mặt được, chưa được và hướng khắc phục, trong đó có việc các trường cần hoàn thiện các phương thức tuyển sinh cho năm 2023 theo hướng đơn giản hóa, giảm thiểu các nhầm lẫn và khó khăn có thể gây ra cho thí sinh.
Đồng thời để hệ thống hoạt động ổn định trong các năm tiếp theo, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự chủ trong tuyển sinh của các cơ sở đào tạo, Bộ sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo phân tích, đánh giá hiệu quả của từng phương thức tuyển sinh để lựa chọn và sử dụng một số phương thức nhất định, tránh đưa ra nhiều phương thức xét tuyển dẫn đến không đảm bảo sự công bằng và gây khó khăn, nhầm lẫn cho thí sinh.
Nhìn lại kỳ tuyển sinh năm 2022, có thể khẳng định áp dụng công nghệ trong các khâu của tuyển sinh là việc không thể không làm trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình và các chức năng của hệ thống phần mềm. Sau đó, sẽ có kế hoạch nâng cấp để tiến tới hệ thống đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng và thanh toán trực tuyến có khả năng bắt lỗi người sử dụng, dễ sử dụng, thân thiện và tối ưu”, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nói.