Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay, việc tổ chức kỳ thi cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Bộ Giáo dục và Đảo tạo chỉ đạo chung, các tỉnh thành chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương.
Ảnh minh hoạ. |
Các hội đồng thi tổ chức làm thủ tục dự thi cho thí sinh trong chiều 27/6 để xác nhận thông tin chính xác cho các em. Thí sinh sẽ chính thức làm bài thi tốt nghiệp THPT trong 2 ngày 28 và 29/6; chấm thi từ ngày 1/7; công bố kết quả thi vào 8 giờ ngày 18/7; hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp THPT chậm nhất ngày 20/7.
Theo lịch của Bộ Giáo dục và đào tạo, chậm nhất ngày 22/7 sẽ công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT. Tới trước ngày 24/7, cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời; trả học bạ và các loại Giấy chứng nhận liên quan (bản chính) cho thí sinh.
Muộn nhất ngày 5/8, phúc khảo bài thi (nếu có) và trước ngày 12/8, xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo. Đến ngày 15/8, gửi danh sách thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Năm nay, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.024.063, trong đó, thí sinh tự do 37.841; thí sinh chỉ xét tốt nghiệp là 47.769, chiếm 4,66% tổng số thí sinh; thí sinh chỉ xét tuyển sinh đại học là 34.155, chiếm 3,33% tổng số thí sinh; thí sinh xét tốt nghiệp và tuyển sinh là 943.340, chiếm 92,91% tổng số thí sinh. Cả nước có 2.273 điểm thi với 44.661 phòng thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tổ chức thi 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên gồm các môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học;
1 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.
Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh.
Kết quả này cũng là cơ sở để nhiều trường đại học sử dụng trong xét tuyển đại học, cao đẳng. Theo thống kê, năm nay khoảng trên 60% trường đại học sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT xét tuyển.
Với tính chất như vậy, định hướng đề thi tốt nghiệp THPT nay năm sẽ đảm bảo các mức nhận biết, thông hiểu. Học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12.
Đồng thời, nội dung đề thi sẽ chú ý mức độ vận dụng, vận dụng cao, tính phân hóa phù hợp là căn cứ để các cơ sở đào tạo đại học sử dụng như một trong các phương thức xét tuyển.
Đầu tháng 3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 làm cơ sở để các nhà trường, giáo viên, học sinh ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi chính thức.
Để phòng chống gian lận của kỳ thi theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, một trong những giải pháp quan trọng là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho không chỉ thí sinh, phụ huynh, giáo viên mà còn toàn xã hội về việc phòng, chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao.
"Việc mua bán, sử dụng những thiết bị này không chỉ vi phạm quy chế thi mà còn vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo các quy định pháp luật hiện hành", Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu.
Bên cạnh đó, để phòng chống gian lận thi cử nói chung và gian lận bằng thiết bị công nghệ cao nói riêng, theo ông Thưởng, vai trò của cán bộ coi thi là rất quan trọng.
Khi công tác tập huấn được thực hiện nghiêm túc, khi những người làm công tác coi thi tiếp nhận đầy đủ các thông tin từ tập huấn, nắm chắc các cảnh báo, nhận diện và thực hiện nhiệm vụ được giao với trách nhiệm cao nhất, việc phát hiện và ngăn chặn thiết bị công nghệ cao nhằm gian lận thi cử là có thể thực hiện được.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, một kỳ thi nghiêm túc, không có gian lận cũng chính là để đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh.
Gửi lới nhắn nhủ tới các thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nói rằng, năm 2023 là năm thứ tư kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức và là năm đầu tiên mối lo dịch bệnh không còn hiện hữu phức tạp như những kỳ thi trước.
Dù vậy, những học sinh dự thi năm nay vẫn là những học sinh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngành Giáo dục thời gian qua đã tích cực hỗ trợ, củng cố kiến thức cho các em; bản thân các em học sinh cũng rất nỗ lực trong quá trình học tập.
"Tôi đã đến làm việc với nhiều địa phương và gặp gỡ các em học sinh tại một số trường học trong những ngày ôn thi nước rút. Không khí và tinh thần học tập của các em rất đáng ghi nhận. Tôi mong rằng, các em sẽ mang tinh thần này để bước vào kỳ thi đạt kết quả tốt nhất", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.
Với các vị phụ huynh, ngoài dành sự chăm sóc, động viên tinh thần cho các em thí sinh bình tĩnh, tự tin, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng mong rằng, phụ huynh cũng dành sự quan tâm nhắc nhở các em để thực hiện đúng quy chế thi - có như vậy mới tránh được những thiệt thòi về kết quả thi cho chính các em.
Với đội ngũ cán bộ coi thi nói riêng và tất cả cán bộ làm thi nói chung, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nhắc lại tinh thần chỉ đạo “4 đúng - 3 không” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quán triệt.
“4 đúng” là: đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường, “3 không” là không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng, áp lực quá mức.
Thực hiện được “4 đúng - 3 không” chính là chúng ta đang hướng đến một kỳ thi nghiêm túc, an toàn, trung thực, khách quan và công bằng.