Tài chính - Chứng khoán
Hợp sức chống trục lợi bảo hiểm
Chí Tín - 25/04/2013 09:13
Để chống lại hiện tượng trục lợi, doanh nghiệp (DN) bảo hiểm cần giúp đỡ nhau trong việc chia sẻ thông tin, quản lý rủi ro, cũng như khai thác thị trường.
TIN LIÊN QUAN
Bảo hiểm Bảo Việt vừa công khai 3 cơ sở y tế có hành vi trục lợi

Ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, trục lợi bảo hiểm đang là một trong những vấn đề nhức nhối của ngành bảo hiểm thời gian qua.

Đưa ra giải pháp để quản lý rủi ro tốt hơn, hạn chế tình trạng trục lợi, cũng như tăng hiệu quả hoạt động của DN bảo hiểm, ông Tuyến cho biết, DN bảo hiểm cần phải nâng cao hơn nữa tính cộng đồng, theo đó, giúp đỡ nhau trong việc chia sẻ thông tin, quản lý rủi ro, cũng như khai thác thị trường.

Theo kết quả thanh, kiểm tra của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, thời gian qua, những sai sót của DN tập trung vào một số vi phạm chính, như sử dụng đại lý chưa đủ điều kiện, chi hoa hồng cho đại lý sai quy định… Trong đó, nổi cộm là hiện tượng trục lợi bảo hiểm.

Cụ thể, năm 2012, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã thanh tra 3 DN, trong đó có 1 công ty môi giới bảo hiểm, 1 công ty bảo hiểm nhân thọ và 1 công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng đã kiểm tra toàn bộ hoạt động kinh doanh của 5 DN bảo hiểm phi nhân thọ, 5 DN bảo hiểm nhân thọ và 3 DN môi giới bảo hiểm.

Theo ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính, thời gian tới, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm sẽ quản lý giám sát DN bảo hiểm thông qua giám sát hợp đồng bảo hiểm.

Các chuyên gia ngành bảo hiểm đều thống nhất quan điểm cho rằng, nếu tình trạng trục lợi bảo hiểm không được khắc phục, thì dù DN có đưa ra nhiều sản phẩm bảo hiểm hấp dẫn, tăng trưởng doanh thu cao…, vẫn không có lãi. Trên thực tế, trong năm 2012, trên thị trường đã có 6 DN bảo hiểm phi nhân thọ phải nhờ đến lợi nhuận của hoạt động đầu tư tài chính để bù cho phần lỗ từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm chính.

Gần đây, một số DN đã bắt đầu có ý thức chủ động công bố thông tin về các vụ việc trục lợi bảo hiểm. Chẳng hạn, Bảo hiểm Bảo Việt đã thông báo đến khách hàng 3 cơ sở y tế có hành vi cấu kết với người được bảo hiểm để trục lợi. Đó là, Nha khoa Cali (303 - Cách mạng Tháng Tám, quận 10, TP.HCM), Nha khoa Nhật Mỹ 2 (9 - Vĩnh Hội, quận 4, TP.HCM) và Nha khoa Happy (26 - Hàm Nghi, Đà Nẵng). Theo khuyến cáo từ Bảo hiểm Bảo Việt, người được bảo hiểm khi khám chữa bệnh ở 3 cơ sở trên, sẽ không được Bảo hiểm Bảo Việt chấp nhận bồi thường.

Trên thực tế, bảo hiểm sức khỏe cũng đang là một trong những lĩnh vực chịu nhiều áp lực lớn trong việc chống trục lợi bảo hiểm. Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, nhiều người lao động mua bảo hiểm theo mức trách nhiệm khoán bồi thường theo số ngày nằm viện không quá 60 ngày/năm đã tranh thủ làm thủ tục nhập viện tại cơ sở điều trị quen biết để hưởng lợi bảo hiểm. Nhiều người mua bảo hiểm chăm sóc y tế chế độ cao đã trục lợi bảo hiểm bằng cách cho mượn thẻ khám chữa bệnh, thân quen y, bác sĩ để có được hóa đơn điều trị thuốc men để đòi tiền bảo hiểm…

Ngay trong lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp, thời gian gần đây, cũng đã có một số hiện tượng trục lợi bảo hiểm. Đơn cử, ở Sóc Trăng, Ban chỉ đạo bảo hiểm nông nghiệp tỉnh vừa thẩm tra, xác minh 10 hồ sơ đề nghị bồi thường của người dân. Kết quả là, các trường hợp này đều có dấu hiệu vi phạm hợp đồng. Do đó, Công ty Bảo Việt Sóc Trăng buộc phải có hình thức xử lý, như từ chối bồi thường, hoặc chỉ chi trả 20 - 30% giá trị hợp đồng.

Tin liên quan
Tin khác