Tại Đại hội cổ đông bất thường vừa diễn ra chiều nay (4/12), ông Trịnh Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết, lý do HSC triệu tập ĐHĐCĐ bất thường ngay thời điểm tháng 12 này thay vì chờ đến tháng 4/2025 để xin ý kiến về kế hoạch phát hành cổ phần tăng vốn vì đây là vấn đề cấp bách với HSC.
“HSC đã cho vay với tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu gần 2 lần, gần chạm trần quy định của pháp luật và mặc dù thị trường không được mạnh, nhưng nhu cầu vay vốn của nhà đầu tư rất cao và nếu có đợt tăng của thị trường sắp tới thì HSC phải sẵn sàng nguồn vốn cung cấp”, ông Giang nói.
Lý do thứ hai, theo ông Giang, tăng vốn để cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài giao dịch kỹ quỹ. Hiện nay, chưa nhà đầu tư nào vi phạm thanh toán, nhưng HSC cần có room để nếu có vì lý do kỹ thuật nào đó, nhà đầu tư nước ngoài chậm thanh toán thì công ty có đủ khả năng xử lý.
Nhận định về thị trường trong thời gian tới, ông Giang cho biết, giá trị giao dịch bình quân sẽ thấp, chứ không cao như trước do nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 4 tỷ USD cao nhất từ trước đến nay.
Năm sau, kỳ vọng thanh khoản xuống khoảng 15.000 tỷ đồng/phiên so với năm nay là 20.000 tỷ đồng/phiên. Nhu cầu vay ký quỹ không bùng nổ nhưng vẫn còn cao. HSC sẵn sàng cho vay ký quỹ ngay cả khi nhu cầu yếu và nhu cầu mạnh bởi các khách hàng của HSC rất chuyên nghiệp, không sợ hãi khi thị trường biến động mạnh. Nếu có lý do gì đó mà thị trường biến động giảm mạnh thì các khách hàng có thể bán hợp đồng phái sinh phòng ngừa rủi rot hay vì bán chứng khoán cơ sở.
Trả lời câu hỏi của cổ đông lo ngại về thời gian tăng vốn của HSC quá lâu do những khó khăn về thủ tục của cổ đông nhà nước là Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC), ông Johan Nyvene, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty HSC nói: “Lần tăng vốn gần đây của HSC mất thời gian 1 năm, cũng đã giảm một nữa thời gian so với lần thực hiện tăng vốn trước đó. Tuy 1 năm vẫn là thời gian còn dài, song các thành viên HĐQT HSC gồm cả thành viên đại diện HFIC đã có kinh nghiệm về các việc cần làm để hoàn thành thủ tục. Chúng tôi sẵn sàng gõ cửa các cơ quan cần xin ý kiến để thực hiện thủ tục cần thiết và chúng tôi được sự ủng hộ của lãnh đạo HFIC cũng của UBND TP.HCM, nên hy vọng đợt tăng vốn sắp tới sẽ rút ngắn thời gian thực hiện hơn nữa”.
ĐHĐCĐ bất thường của HSC biểu quyết thông qua kế hoạch chào bán gần 360 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, theo đó, cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu có quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới. Như vậy, HSC sẽ huy động được 3.600 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên mức 10.800 tỷ đồng.
Nguồn vốn huy động được dự kiến phân bổ cho hoạt động cho vay ký quỹ và tự doanh. Cụ thể, khoảng 70% (tương đương 2.500 tỷ đồng) sẽ được sử dụng để mở rộng hoạt động cho vay ký quỹ, 30% còn lại (tương đương 1.100 tỷ đồng) sẽ bổ sung cho hoạt động tự doanh.
Theo số liệu thống kê, HSC là công ty chứng khoán có tỷ lệ vay/vốn chủ sở hữu sát ngưỡng giới hạn 200% vốn chủ sở hữu, cao nhất trên thị trường.
Tính đến ngày 30/9, dư nợ cho vay ký quỹ của HSC lên đến 19.286 tỷ đồng, tăng mạnh 60% so với đầu năm trên vốn chủ sở hữu hơn 10.056 tỷ đồng.
Trong các năm trước, thị phần môi giới trên HoSE của HSC liên tục sụt giảm từ mức trên 12% năm 2016 xuống còn 6,7% vào năm 2021 và tiếp tục giảm trong năm 2022 do thiếu vốn và các ngân hàng cắt giảm hạn mức tín dụng. Năm 2023, sau khi tăng vốn thành công, HSC đã liên tục tăng trưởng thị phần. Cuối quý IV/2024, HSC kỳ vọng thị phần đạt 7% trên HoSE so với con số 6% của quý III vừa qua.