Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, sự vào cuộc tích cực của các ngành, địa phương, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các đơn vị nhà thầu thi công các dự án giao thông đã khẩn trương huy động nhân công, máy móc làm việc với quyết tâm bảo đảm tiến độ các dự án theo đúng kế hoạch, phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng trong thời gian sớm nhất các tuyến đường để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Hưng Yên.
Đối với dự án đường Tân Phúc - Võng Phan (giao ĐT.378), các nhà thầu đã đồng loạt triển khai thi công. Theo ông Hoàng Đức Đại, Chỉ huy trưởng công trình đường Tân Phúc - Võng Phan (giao ĐT.378) cho biết, đơn vị thi công quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để hoàn thành bàn giao trước thời hạn. Ngay sau những ngày nghỉ Tết, các nhà thầu đã huy động tối đa nhân công, máy móc tập trung thi công các hạng mục trên toàn tuyến, nỗ lực bảo đảm tiến độ theo kế hoạch.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên kiểm tra thực địa dự án đường kết nối ĐT.387 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Km31+100) địa phận xã Tân Phúc, xã Bãi Sậy (Ân Thi). Ảnh: Lê Hiếu. |
Còn dự án cải tạo, nâng cấp ĐT.385 đoạn Km7+750 đến Km6+370 (Dốc Nghĩa - Lương Tài) đến nay đã thảm được bê tông nhựa trên toàn bộ chiều dài tuyến, trong đó có 7,5km đã hoàn thành theo quy mô thiết kế, 1,3km hoàn thành mặt đường trên phạm vi mặt bằng đã có. Hiện nay còn khoảng 300m chưa bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Tổng số vốn đã giải ngân đến nay đạt trên 166,4 tỷ đồng. Dự án có tổng mức đầu tư là 195 tỷ đồng, chiều dài tuyến thiết kế hơn 8,8km.
Nhà thầu đang tập trung thi công xây dựng đường Tân Phúc – Võng Phan. Ảnh: Phạm Đăng. |
Trên công trường thi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên cũng đã nhộn nhịp trở lại. Đối với hạng mục thi công đường, đến nay đã thi công bóc đất hữu cơ lên khuôn đường được khoảng 59,1 nghìn m3, đắp cát khoảng 49,2 nghìn m3...
“Tranh thủ thời tiết thuận lợi, đơn vị đã huy động nhân lực, thiết bị để thi công các hạng mục như bóc lớp đất hữu cơ, đắp trả bờ bao khuôn đường, thi công cống, cọc khoan nhồi... Công trường gần như không có ngày im tiếng máy, mặt bằng giao đến đâu, đơn vị chuẩn bị máy móc và người làm đến đó. Công nhân hầu hết đều ăn, ở tại ban chỉ huy công trường. Chúng tôi muốn thi công tuyến đường với tiến độ nhanh nhất, đạt chất lượng cao nhất để có thể bàn giao trước thời hạn”, ông Nguyễn Hữu Thống, Giám đốc Ban Điều hành Công ty cổ phần Lizen (đơn vị thi công dự án) cho biết.
Nhịp độ thi công trên tất cả dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh Hưng Yên hiện đã nhộn nhịp trở lại. |
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua địa phận huyện Văn Lâm có tổng chiều dài hơn 6,5km với diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án gần 94 héc-ta. Đến nay, huyện đã giải phóng mặt bằng (GPMB) được 99,2% diện tích đất nông nghiệp; gần 84% diện tích đất do xã quản lý; đã thông báo thu hồi đất, kiểm đếm 100% diện tích đất ở, đang tiến hành lập phương án bồi thường, hỗ trợ tài sản và xét duyệt nguồn gốc đất; di chuyển 725 ngôi mộ.
Còn tại các dự án như: Đường kết nối ĐT.387 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Km31+100) địa phận xã Tân Phúc, xã Bãi Sậy (Ân Thi); đường trục ngang kết nối QL.39 (Km22+550) với ĐT.376, địa phận xã Nguyễn Trãi (Ân Thi); đường Tân Phúc - Võng Phan địa phận xã Văn Nhuệ (Ân Thi) và xã Nguyên Hòa (Phù Cừ) đang được địa phương và chủ đầu tư tích cực triển khai.
Tại buổi kiểm tra thực địa vừa qua, ông Nguyễn Hữu Nghĩa yêu cầu các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư và các đơn vị thi công tập trung tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án. Với các đơn vị nhà thầu cần huy động tối đa nhân lực, máy móc, phương tiện để thi công những đoạn đã có mặt bằng. Về phần mặt bằng chưa giải phóng, các địa phương cần tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu về mục đích, ý nghĩa, lợi ích của các dự án, tạo sự đồng thuận cao của người dân.
Năm 2023, tỉnh Hưng Yên đã dồn lực để triển khai nhiều dự án giao thông lớn như: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường kết nối ĐT.387 với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng (Km31+100); Dự án đường trục ngang kết nối QL.39 (Km22+550) với ĐT.376; Dự án đường nối ĐH.45 xã Đồng Than với ĐT.376 xã Ngọc Long; dự án xây dựng đường bên tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình...
Ông Trần Quốc Văn kiểm tra tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua địa phận huyện Văn Lâm. Ảnh: Phạm Đăng. |
Đây là các dự án giao thông trọng điểm, có tính lan tỏa, tạo hành lang để hình thành nên các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung; nâng cao năng lực lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Việc đầu tư hạ tầng giao thông bài bản, cộng với quỹ đất lớn trở thành lợi thế rất lớn của Hưng Yên trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội góp phần để Hưng Yên tạo lập diện mạo mới, vị thế mới.