Theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng khó thở, nằm sấp giúp tăng quá trình trao đổi oxy ở phổi, dễ thở hơn.
Lưu ý, tránh nằm sấp với người mang thai, người có huyết khối tĩnh mạch sâu, mắc tim mạch và các vấn đề về cột sống hoặc gãy xương.
Trong thời gian đó, cần theo dõi nồng độ oxy trong máu, nhịp tim để phát hiện các dấu hiệu bất thường, gọi hỗ trợ y tế kịp thời.
Dưới đây là trình tự 6 tư thế nằm sấp giúp bệnh nhân dễ thở hơn, cải thiện nồng độ oxy trong máu:
Tư thế 1: Nằm sấp trên giường phẳng trong 30 phút - hai giờ, mặt xoay nghiêng tựa lên gối. Sử dụng ba chiếc gối để kê ở ba điểm như hình.
Tư thế 2: Sau đó chuyển sang tư thế nằm bên phải trong 30 phút, không sử dụng gối.
Tư thế 3: Chuyển sang tư thế nửa nằm, nửa ngồi, nâng người khoảng 60 độ kê gối trên đầu, duy trì tư thế trong 30 phút.
Tư thế 4: Sau đó quay lại nằm nghiêng bên trái trong 30 phút, không kê gối.
Tư thế 5: Chuyển sang tư thế nằm sấp và co một chân. Xoay mặt sang một bên, một tay đặt lên gối, một chân kê lên gối.
Tư thế 6: Đổi ngược tư thế nằm sấp như ban đầu trong 30 phút. Thời gian điều chỉnh các tư thế có thể dao động từ 30 phút đến hai tiếng.
Khi F0 mệt, khó thở, người chăm sóc cần chuẩn bị ba gối, một mặt phẳng không lún để nằm sấp, giúp cải thiện tình trạng khó thở. |
Ngoài tư thế nằm để dễ thở, chuyên gia cũng khuyến cáo 6 bước để kiểm tra độ bão hòa oxy trong máu (SpO2) tại nhà:
Bước 1: Làm sạch móng tay, không để móng tay dài, móng giả, sơn móng tay
Bước 2: Nghỉ ngơi ít nhất 5 phút trước khi đo.
Bước 3: Xoa 2 bàn tay để làm ấm tay.
Bước 4: Bật máy, đưa ngón tay giữa hoặc ngón trỏ vào miệng của máy để ngón tay được kẹp chặt.
Bước 5: Nhấn nút nguồn để khởi động máy. Không cử động tay trong khi đo. Kết quả đo sẽ hiển thị trên màn hình sau vài giây.
Bước 6: Khi kết thúc đo, rút ngón tay ra, sau vài giây máy sẽ tự tắt, ghi lại kết quả đo.
Theo chuyên gia, khi mắc Covid-19, một số bệnh nhân sẽ gặp phải tình trạng thiếu ô-xy thầm lặng, tức độ bão hòa ô-xy trong máu giảm nhưng bệnh nhân vẫn hoàn toàn thấy khỏe mạnh và không hề khó thở. Do đó việc đo nồng độ ô-xy trong máu sẽ giúp người bệnh sớm phát hiện được tình trạng này và can thiệp y tế kịp thời.
Người bình thường có SpO2 dao động từ 95-99%. Tuy nhiên, một số người đo lần đầu sẽ có tâm lý hồi hộp, vô tình nín thở nên kết quả có thể thấp hơn thực tế có thể nghỉ ngơi rồi đo lại. Nếu kết quả vẫn thấp hơn 95% cần liên hệ ngay với nhân viên y tế để được hỗ trợ.