Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, mùa tuyển sinh 2024 có 133.000 học sinh tốt nghiệp lớp 9, tuy nhiên chỉ có gần 110.000 em đăng ký thi vào lớp 10 công lập, còn lại 23.000 học sinh không đăng ký dự thi.
Cùng với đó tại Hà Nội, năm học 2024-2025, các trường THPT công lập chỉ tuyển khoảng 81.000 học sinh, còn khoảng 30.000 em phải có lựa chọn khác. Như vậy tổng sẽ có hơn 50.000 học sinh Hà Nội không có cơ hội học lớp 10 hệ công lập trong năm học 2024-2025.
Như vậy tổng sẽ có hơn 51.000 học sinh Hà Nội không có điều kiện vào lớp 10 hệ công lập trong năm học 2024-2025 (Ảnh minh hoạ) |
Hướng đi nào cho các em là bài toán khiến các bậc phụ huynh và những người làm giáo dục vô cùng quan tâm tại thời điểm này.
Lựa chọn những trường THPT ngoài công lập, đi du học, học nghề tại các trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX); trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp (GDNN)... là những ngã rẽ mà các học sinh và gia đình đang cân nhắc, lựa chọn.
Trong năm học 2023-2024, các trường THPT tư thục, Trung tâm GDTX, GDNN, cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trung tâm GDNN-GDTX liên kết với các trường trung cấp và cao đẳng dạy văn hóa chương trình GDTX cấp THPT) tuyển khoảng hơn 51.000 học sinh.
Trước đó, vào tháng 4/2024, Sở GD&ĐT Hà Nội đã giao cho 29 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên tuyển 259 lớp với 11.540 học sinh.
Trước đó hồi tháng 4, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có quyết định giao cho 85 trường THPT tư thục tuyển 29.636 chỉ tiêu vào lớp 10 năm học tới. |
Danh sách 29 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên mà Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo tuyển 259 lớp với 11.540 học sinh |
Khi không có cơ hội vào học trường công, thì lựa chọn hướng đi nào là mối quan tâm lớn nhất của các em học sinh và các bậc phụ huynh thời điểm này. |
Đối với các thí sinh đã dự thi tuyển vào trường THPT công lập, chậm nhất đến ngày 2/7, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố điểm thi. Điểm chuẩn vào lớp 10 của từng trường dự kiến được công bố trong khoảng từ ngày 10/7 đến 12/7. Học sinh trúng tuyển làm thủ tục xác nhận nhập học trong khoảng thời gian này.
Trong trường hợp chưa đủ điều kiện trúng tuyển, học sinh có thể chờ đợt tuyển sinh bổ sung của các trường. Theo kế hoạch dự kiến, ngày 17/7, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ họp xét duyệt điểm chuẩn bổ sung vào lớp 10 các trường công lập và công bố công khai. Học sinh trúng tuyển bổ sung làm thủ tục xác nhận nhập học từ ngày 19/7 đến 22/7.
Là một trong số các học sinh không dự thi lớp 10 THPT các trường công lập, em Hoàng Xuân Bách (Xuân Đỉnh, Quận Bắc Từ Liêm) cho hay: “Ở lớp có em và 2 bạn nữa không đăng ký thi vào các trường THPT công lập vì có những định hướng riêng. 2 bạn kia thì lựa chọn vào trường dạy nghề vì quan điểm học gì cũng là ra đi làm nên chúng em học luôn trường nghề có hệ 9+. Còn em từ bé đam mê nghề làm tóc nên em xin theo học của một nhà tạo mẫu tóc nổi tiếng ở Hà Nội”.
Chia sẻ gia đình có phản ứng gì trước quyết định của em không, Bách khá thoải mái cho biết đã xin phép bố mẹ và cũng nói mơ ước của bản thân nên bố mẹ em ủng hộ.
Không lựa chọn học nghề như Bách, em Đỗ Thuỳ Linh (Việt Hưng, Long Biên) lại lựa chọn cho mình con đường đi du học tự túc ở Ba Lan nên không đăng ký thi vào lớp 10 THPT công lập. Em cho biết: “Hiện tại bố của em đang làm việc ở Ba Lan nên có định hướng em sẽ sang với bố. Gia đình và em cũng bàn tính em sang đó hoc lại lớp 9 sau đó thi vào lớp 10 nên là năm nay em không đăng ký thi ở Việt Nam”.
Mỗi người một lựa chọn theo nhu cầu, sở thích và điều kiện từng gia đình. Bàn về vấn đề này, TS. Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết: Năm học này, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội dành từ 650 -900 chỉ tiêu tuyển sinh và đào tạo hệ CĐ 9+ (hệ THPT – Cao đẳng) ở 3 cơ sở và đã đón nhận đông đảo các thí sinh và các bậc phụ huynh đến tìm hiểu.
Việc lựa chọn các trường nghề có hệ 9+ trong vài năm gần đây thu hút được lượng lớn các bạn học sinh. Đó là những bạn có lực học ở mức trung bình không thể vào được các trường THPT công lập hoặc có các em học lệch giữa các môn. Bên cạnh đó chúng tôi cũng tiếp đón nhiều em có mong muốn được học nghề luôn song song quá trình học văn hoá tương ứng với cấp THPT. Và trong quá trình giảng dạy, chúng tôi phát hiện ra có rất nhiều em xuất sắc. Đó cũng là lí do vì sao hệ 9+ là một lựa chọn cho nhiều học sinh không tham gia thi THPT công lập.
TS. Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết, việc lựa chọn các trường nghề có hệ 9+ trong vài năm gần đây thu hút được lượng lớn các bạn học sinh |
Đứng ở góc độ là phụ huynh, chị Đàm Khánh Chi (Tây Hồ) có con năm nay không tham gia thi THPT công lập, cho biết:
“Tôi không biết các bố mẹ khác có quan điểm như thế nào, còn tôi thì khá thoải mái. Vẫn biết là động viên con học, đi vào những trường chất lượng là mong muốn của nhiều gia đình, nhưng cũng còn tùy vào khả năng và niềm đam mê cũng như sở thích của con. Nhà tôi có 2 bạn, bạn lớn đang học trường cấp 3 chuyên, nhưng đến bạn thứ 2 này thì con xin mẹ luôn đi học make up vì từ nhỏ đã thích thú với cọ trang điểm rồi. Tôi thấy con mong muốn thế nên đã đồng ý, tuy nhiên giờ con học make up song song với học ngoại ngữ vì tôi mong muốn dù con làm nghề gì cũng sẽ trở thành công dân toàn cầu sau này”.