Thời sự
Hướng dòng vốn Nhật Bản vào những lĩnh vực ưu tiên
Kỳ Thành - 26/11/2021 09:01
Việt Nam mong muốn hướng dòng vốn của các nhà đầu tư Nhật Bản vào những lĩnh vực ưu tiên, nhằm thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế một cách bền vững.
Tập đoàn AEON dự kiến tăng gấp đôi số lượng trung tâm thương mại tại Việt Nam. Trong ảnh: AEON Hải Phòng. Ảnh: Đ.T

Nhiều “ông lớn” Nhật Bản vẫn muốn đổ vốn vào Việt Nam

Tập đoàn AEON (Nhật Bản) dự kiến niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam là thông tin được giới đầu tư, tài chính Việt Nam hết sức quan tâm trong những ngày qua. Đây là nội dung được ông Motoya Okada, Chủ tịch Tập đoàn AEON chia sẻ tại cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng diễn ra từ ngày 22 đến 25/11 vừa qua.

Theo ông Motoya Okada, bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam từ năm 2014 và tính đến nay đã đầu tư 1,18 tỷ USD, Tập đoàn AEON đang triển khai kế hoạch trung và dài hạn tại Việt Nam, coi Việt Nam là thị trường quan trọng không kém thị trường chính tại Nhật Bản, dự kiến tăng gấp đôi các trung tâm thương mại tại Việt Nam trong thời gian tới.

Không chỉ AEON, tại các cuộc tiếp xúc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhân chuyến thăm lần này, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhật Bản đã công bố kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong thời gian tới, do ghi nhận môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện và có thêm niềm tin sau khi lắng nghe những trao đổi của Thủ tướng.

Quan tâm định hướng phát triển năng lượng tại Việt Nam, ông Tsutomu Sugimori, Chủ tịch Tập đoàn ENEOS khẳng định, tập đoàn này mong muốn tham gia quá trình giảm thải khí carbon và sẽ tiếp tục các hoạt động đầu tư trên nhiều lĩnh vực, nhất là phát triển năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, ông Higashihara Toshiaki, Chủ tịch Tập đoàn Hitachi đề xuất Chính phủ Việt Nam xem xét để Tập đoàn mở rộng đầu tư, đóng góp vào quá trình phát triển của Việt Nam, như các dự án về môi trường, y tế, giảm thiệt hại thiên tai, đặc biệt mong muốn tham gia đầu tư trong lĩnh vực đường sắt.

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Nhật Bản hiện nằm trong số quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vào Việt Nam, với khoảng 4.800 dự án, vốn đầu tư hơn 65 tỷ USD. Nhật Bản cũng là nước có số lượng khách du lịch đến Việt Nam đứng thứ 3, với khoảng 1 triệu lượt khách. Trong khi đó, thương mại 2 chiều đạt khoảng 40 tỷ USD.

Việt Nam trông đợi, tin tưởng các nhà đầu tư Nhật Bản

Nếu như nhiều thủ tướng Nhật Bản khi nhậm chức đều chọn Việt Nam là nước đầu tiên để tới thăm, thì chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 22 đến 25/11 vừa qua của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng mang ý nghĩa đặc biệt, khi Thủ tướng là vị lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Nhật Bản theo lời mời của tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

“Những lần đầu tiên ấy đã thể hiện mối quan hết sức tốt đẹp giữa hai nước. Ngay năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản cũng đến thăm Việt Nam giữa đại dịch Covid-19. Nghĩa là, cơ chế hoạt động để thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản luôn được duy trì, dù trong điều kiện khó khăn nhất”, Thủ tướng bày tỏ tại cuộc đối thoại với các nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản hôm 24/11.

Từ đó, Thủ tướng kỳ vọng rằng, trong tương lai, hai bên sẽ có những hợp tác chặt chẽ hơn nữa, nhất là hợp tác kinh tế, đầu tư của các doanh nghiệp.

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, định hướng sắp tới của Việt Nam là ưu tiên phát triển xanh, hài hòa với thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số.

“Chúng tôi xác định tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược. Một là, đột phá thể chế gắn với cải cách hành chính, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Hai là, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Ba là, đột phá về xây dựng hạ tầng, cả hạ tầng cứng lẫn mềm, như giao thông, hạ tầng số, thích ứng với biến đổi khí hậu”, Thủ tướng cho biết.

Ông cũng lưu ý vấn đề phát triển kinh tế phải hài hòa với giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển cân đối giữa các ngành, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, không đánh đổi môi trường để chạy theo phát triển kinh tế đơn thuần. Coi con người là trung tâm, là chủ thể, là động lực và là mục tiêu của sự phát triển.

“Để làm được như vậy, chúng tôi xác định nội lực, gồm con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử, văn hóa, là yếu tố quyết định, cơ bản, lâu dài; chiến lược, ngoại lực là quan trọng và đột phá. Đó là cần đột phá ở vốn, công nghệ, cách quản lý”, Thủ tướng chia sẻ và tin tưởng rằng, đó là những thế mạnh mà Việt Nam có thể trông đợi, tin tưởng từ các nhà đầu tư Nhật Bản, vốn rất hiểu và có nhiều thành công ở thị trường Việt Nam.

Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản, với trình độ công nghệ, kỹ thuật hàng đầu thế giới, quan tâm đầu tư vào Việt Nam trong những lĩnh vực định hướng ưu tiên của Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững, mang lại lợi ích cho các bên, cả nhà đầu tư và các đối tác, cũng như người dân Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản, triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Tin liên quan
Tin khác