Biên lợi nhuận gộp thấp kỷ lục từ khi niêm yết tháng 3/2020 tới nay
Trong quý IV/2022, CIC Group ghi nhận doanh thu đạt 521,7 tỷ đồng, giảm 20,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 39,48 tỷ đồng, giảm 55,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 30,1% về còn 22%.
Được biết, theo dữ liệu iBoard của Chứng khoán SSI, từ quý IV/2019 (thời điểm bắt đầu công bố dữ liệu để niêm yết vào ngày 25/3/2020), chưa quý nào biên lợi nhuận gộp giảm xuống mức thấp hơn 22%. Trong đó, biên lợi nhuận gộp thấp nhất là quý IV/2019 với giá trị là 22,38%.
Trong kỳ, lợi nhuận giảm 41,9% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 82,96 tỷ đồng về 115,03 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 94,6%, tương ứng giảm 42,6 tỷ đồng về 2,43 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 79,6%, tương ứng giảm 21,69 tỷ đồng về 5,55 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 39,4%, tương ứng giảm 42,8 tỷ đồng về 65,92 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Trong quý IV, mặc dù Công ty đã tiết giảm chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp nhưng lợi nhuận vẫn giảm 55,2% về còn 39,48 tỷ đồng, chủ yếu do biên lợi nhuận gộp thu hẹp dẫn tới lợi nhuận gộp giảm mạnh.
Xét về cơ cấu doanh thu và lợi nhuận gộp trong quý IV, doanh thu lĩnh vực địa ốc giảm 21,9% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 126,87 tỷ đồng về 451,76 tỷ đồng và giá vốn lĩnh vực địa ốc giảm 9,5% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 37,43 tỷ đồng về 356,87 tỷ đồng.
Hụt doanh thu lĩnh vực địa ốc trong quý IV/2022 (Nguồn: BCTC). |
Trong lĩnh vực địa ốc, do doanh thu giảm mạnh và giá vốn giảm nhẹ, điều này dẫn tới lợi nhuận gộp lĩnh vực địa ốc trong quý IV/2022 đã giảm tới 48,5% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 89,44 tỷ đồng về 94,89 tỷ đồng (lợi nhuận lĩnh vực địa ốc chiếm khoảng 82,5% tổng lợi nhuận gộp trong quý IV/2022).
Như vậy, lợi nhuận giảm trong quý IV chủ yếu do hụt lợi nhuận lĩnh vực địa ốc.
Lũy kế trong năm 2022, CIC Group ghi nhận doanh thu đạt 1.445 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 170,07 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2022, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 1.320 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 164 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 30,1% và 15,7% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, kết thúc năm tài chính 2022, Công ty đã hoàn thành 103,7% kế hoạch lợi nhuận năm.
Dư nợ vay lên tới 1.577,5 tỷ đồng, chiếm 31,8% tổng nguồn vốn
Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của CIC Group tăng 5,9% so với đầu năm, lên 4.961,2 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 2.819,9 tỷ đồng, chiếm 56,8% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.141,8 tỷ đồng, chiếm 23% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Ngoài ra, tính tới cuối năm 2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 12,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 175,5 tỷ đồng, lên 1.577,5 tỷ đồng và chiếm 31,8% tổng nguồn vốn (đầu năm chỉ chiếm 29,9% tổng nguồn vốn).
Trong cơ cấu nợ vay, Công ty thuyết minh tính tới cuối năm 2022 đang có dư nợ 486,1 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 36 tháng. Được biết, ngày 31/12/201, Công ty phát hành lô trái phiếu mệnh giá 500 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 10%/năm, đây là trái phiếu không chuyển đổi và phát hành để đầu tư xây dựng và phát triển dự án Khu dân cư Bắc Vĩnh Quang.
Thêm nữa, tính tới cuối năm 2022, chỉ báo người mua trả tiền trước ngắn hạn và dài hạn giảm 31,4% so với đầu năm, tương ứng giảm 388,2 tỷ đồng, về 847,3 tỷ đồng và chỉ còn chiếm 17,1% tổng nguồn vốn (đầu năm chiếm tới 26,4% tổng nguồn vốn).
CIC Group chào bán 13,4 triệu cổ phiếu riêng lẻ để đáo nợ đến hạn
CIC Group dự kiến phát hành 13.400.219 cổ phiếu riêng lẻ với giá 15.000 đồng/cổ phiếu để huy động hơn 201 tỷ đồng từ 27 nhà đầu tư. Cổ phiếu phát hành bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm kể từ ngày phát hành.
Số tiền huy động, Công ty dự kiến dùng 97,3 tỷ đồng thanh toán các khoản nợ phải trả cho các đơn vị thi công; 96,8 tỷ đồng thanh toán các khoản nợ vay đến hạn; và còn lại 6,9 tỷ đồng thanh toán tiền mua vật liệu, tiền lương, tiền công cán bộ nhân viên.
Được biết, trong Báo cáo thường niên năm 2021, CIC Group cho biết, có hai cổ đông nhà nước là Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Kiên Giang sở hữu 496.124 cổ phiếu, chiếm 0,57% vốn điều lệ; Công ty TNHH một thành viên Phương Nam Kiên Giang sở hữu 1.175.370 cổ phiếu, tương đương 1,36% vốn điều lệ. Ngoài ra, ông Trần Thọ Thắng, Chủ tịch HĐQT sở hữu 8,31% vốn điều lệ và 89,76% còn lại thuộc về nhóm cổ đông nhỏ sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/1, cổ phiếu CKG tăng 1.300 đồng lên 21.700 đồng/cổ phiếu