Nguyên nhân chính khiến tiến độ thực hiện của gói 30000 tỷ đồng không như mong muốn là sự thiếu hụt nguồn cung của phân khúc nhà ở xã hội |
Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng theo thẩm quyền và nhiệm vụ được giao tiếp tục có các biện pháp hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Nghị quyết 02/NQ-CP và Nghị quyết 61/NQ-CP của Chính phủ về cho vay hỗ trợ nhà ở.
Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu về nhà ở tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp, thời hạn phù hợp.
Cùng với đó phải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá cụ thể kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP và Nghị quyết 61/NQ-CP của Chính phủ về cho vay hỗ trợ nhà ở; trên cơ sở đó hoàn thiện lại nội dung chương trình hỗ trợ nguồn vốn thực hiện việc cho vay kích cầu hướng tới người mua nhà của các ngân hàng thương mại Nhà nước.
Thống kê của Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) mới đây cho biết, đến nay giải ngân mới chỉ đạt 5.316 tỷ đồng tổng dư nợ tín dụng trên 9.738 tỷ đồng trong tổng số tiền cam kết cho vay.
Tính đến giữa tháng 1/2015, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng cam kết cho vay đối với 12.113 hộ gia đình, cá nhân và 33 dự án bất động sản. Trên thực tế, đã có 12.091 hộ gia đình, cá nhân được tiếp cận nguồn vốn vay với tổng số tiền là 3.725 tỷ đồng.
Trong đó, 5.714 hộ gia đình, cá nhân mua nhà ở xã hội với dư nợ tín dụng là 1.519 tỷ đồng và 6.377 hộ gia đình, cá nhân mua nhà ở thương mại với dư nợ 2.207 tỷ đồng. Đối với các tổ chức và doanh nghiệp, đã có 28/33 dự án nhà ở được giải ngân với tổng số tiền hơn 1.590 tỷ đồng.
Ngoài 5 NHTM Nhà nước tham gia từ đầu, Thống đốc NHNN đã chấp thuận bổ sung thêm 10 NHTM tham gia cho vay từ gói 30000 tỷ đồng, gồm Eximbank, Bảo Việt, Saigonbank, PVCombank, Tienphong Bank, OCB, VPBank, Seabank, NamABank và SHB. Như vậy, đến nay, số NHTM được tham gia gói tín dụng cho vay nhà ở đã lên con số 15 ngân hàng.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, nguyên nhân chính khiến tiến độ thực hiện của gói 30000 tỷ đồng không như mong muốn là sự thiếu hụt nguồn cung của phân khúc nhà ở xã hội.
“Không phải có tiền đưa ra là cho vay được. Trên thực tế, nguồn cung mới là vấn đề chính. Nguồn nhà bán ra khá hạn chế làm việc triển khai chưa tốt”, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng vấn đề là ở các ngân hàng thương mại. Khó khăn vẫn nằm ở vấn đề thủ tục của ngân hàng, bởi các đơn vị này có quá nhiều yêu cầu, quá nhiều thủ tục ràng buộc. Hơn nữa, cách xác nhận của mỗi địa phương một khác, không thống nhất khiến cho người dân ngao ngán rồi bỏ cuộc. Ngoài ra, một khách hàng muốn vay tiền thì phải chứng minh thu nhập bằng tiền mặt, mà với những người thu nhập thấp thì đây lại là chuyện không phải ai cũng có thể làm được…
Về phía các chủ đầu tư, nhiều đơn vị cũng chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi do gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, chưa giấy phép xây dựng, báo cáo tài chính không đáp ứng điều kiện để được vay vốn. Chỉ khi nào các ngân hàng thương mại nới các tiêu chí thì người dân mới có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ này.
Tú Ân