Không khó để nhận thấy điều này, bởi chỉ 4 dự án tỷ USD, được cấp chứng nhận đầu tư mới hoặc tăng vốn từ đầu năm tới nay, đã chiếm tới phân nửa số vốn FDI mà Việt Nam thu hút được từ đầu năm tới nay (6,8/12,63 tỷ USD). Điều này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã cho thấy kinh tế vĩ mô đã ổn định hơn, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam được cải thiện và hấp dẫn hơn.
| ||
Mặc dù vậy, nếu trừ số vốn đầu tư vào các dự án lớn là Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (Thái Nguyên), Bus Industrial Center (Bình Định) và Samsung Electronics Việt Nam (Bắc Ninh), thì 8 tháng qua, Việt Nam mới thu hút được khoảng 5,83 tỷ USD. Và nếu chia đều số vốn đầu tư còn lại (5,83 tỷ USD) cho 1.062 dự án, thì bình quân, mỗi dự án FDI chỉ có vốn đầu tư khoảng 5,48 triệu USD.
Chưa kể, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 8 tháng qua, kể cả số lượng dự án cấp mới và tăng thêm, đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Dự án cấp mới chỉ là 769, giảm 7,8% so với con số 834 dự án của 8 tháng năm ngoái. Trong khi đó, với dự án tăng thêm, chỉ là 297 lượt dự án so với 395 lượt dự án của cùng kỳ, giảm tới 24,8%. Điều này, trên một khía cạnh nào đó, có thể cho thấy, sự hồi phục của dòng vốn FDI vào Việt Nam chưa thực sự mạnh mẽ và Việt Nam vẫn đang phải cạnh tranh chạy đua thu hút FDI với Thái Lan, Indonesia, Malaysia…
“Việt Nam đã và đang rất nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhưng chưa thực sự tạo được sự đột phá so với các quốc gia lân cận”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thừa nhận.
Một kết quả khảo sát vừa được Phòng Thương mại Mỹ tại Singapore (Amcham Singapore) công bố cho biết, Việt Nam đã lùi từ vị trí thứ nhất của năm ngoái xuống vị trí thứ nhì, sau Indonesia, về xếp hạng các địa điểm mở rộng đầu tư nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp Mỹ. Thái Lan và Myamar ở các vị trí tiếp theo.
Cuộc khảo sát tiến hành từ ngày 10/5 đến ngày 10/6/2013 này thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo 475 doanh nghiệp Mỹ là thành viên của AmCham tại tất cả 10 nước thành viên ASEAN, trong đó có 69 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Các doanh nghiệp này đều cho rằng, các thị trường ASEAN đang ngày càng trở nên quan trọng đối với các công ty Mỹ; 91% số doanh nhân dự đoán mức độ đầu tư và thương mại của các công ty của họ trong khu vực ASEAN sẽ tăng lên trong vòng 5 năm tới.
Mặc dù, Việt Nam vẫn được 43% doanh nghiệp được hỏi cho biết, họ có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại đây, nhưng rõ ràng, Indonesia mới là điểm đến hàng đầu trong các quốc gia ASEAN để mở rộng đầu tư, đối với các doanh nghiệp Mỹ.
Các thông tin gần đây cho thấy, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Myanmar... đang thực hiện nhiều biện pháp để thu hút FDI. Thậm chí, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng đã nhắc tới Lào và Campuchia như là những “đối thủ” cạnh tranh thu hút FDI.
Không thể phủ nhận, đã có những sự khởi sắc nhất định. Tuy nhiên, theo một chuyên gia lâu năm về FDI, để dòng vốn FDI vào Việt Nam có thể khởi sắc hơn nữa, đòi hỏi phải tiếp tục có biện pháp để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả dòng vốn FDI. Trong đó, việc sớm ban hành và thực thi hiệu quả nghị quyết về nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng, quản lý FDI trong thời gian tới là một cú hích cần thiết.
Nguyên Đức