Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 12.793 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong trên thế giới (2,1%).
Bộ Y tế yêu cầu TP.HCM huy động tối đa các cơ sở hiện có tại địa phương của nhà nước và tư nhân để lên phương án thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng |
Về tình hình điều trị đến ngày 4/9, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.572 ca, trong đó, 4.204 phải thở oxy qua mặt nạ, 1.267 bệnh nhân thở oxy dòng cao HFNC, 173 ca thở máy không xâm lấn, 899 người thở máy xâm lấn, 29 ca can thiệp ECMO.
Để giảm tử vong của bệnh nhân Covid-19 theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đã huy động tổng lực ngành Y tế cho TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam.
Cụ thể, Bộ Y tế đã điều động số lượng lớn nhân lực y tế với hơn 16.000 người (gồm gần 200 lãnh đạo, chuyên viên của Bộ Y tế; trên 5.000 cán bộ y tế từ các bệnh viện, viện; gần 7.600 giảng viên, sinh viên từ các trường y dược, trên 2.000 cán bộ y tế địa phương các lực lượng y tế công an quân đội…).
Bộ cũng phân bổ và cấp xuất hàng nghìn trang thiết bị, máy thở, vật tư, thuốc cho các địa phương đang chống dịch. Theo đó, từ ngày 27/4, Kho vật tư, thiết bị y tế tại TP.HCM quản lý, cấp phát cho các địa phương 5.935 máy thở các loại, 10 máy ECMO, 50 máy lọc máu, 182 máy xét nghiệm RT-PCR, 86 máy tách chiết, trên 10 triệu test nhanh, gần 2 triệu khẩu trang N95, gần 500.000 bộ trang phục phòng, chống dịch các loại.
Bộ Y tế cũng phối hợp với các đơn vị tiếp nhận tài trợ các loại thuốc điều trị người bệnh Covid-19; 126 xe xét nghiệm lưu động và tiêm chủng lưu động…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, với việc thiết lập và vận hành hiệu quả các trung tâm hồi sức (gồm 11 Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 tại phía Nam, riêng TP.HCM là 6 Trung tâm) điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch (hiện nay đang điều trị tích cực cho 6.491 trường hợp nặng).
Dù đã có nhiều nỗ lực song tỷ lệ tử vong tại TP.HCM còn cao. Trước thực tế đó, Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị UBND TP.HCM, các tỉnh phía Nam và các đơn vị liên quan khẩn trương, tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nội dung tăng cường hiệu quả công tác điều trị.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương này bảo đảm thiết lập đủ cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 trên cơ sở diễn biến và dự báo tình hình dịch Covid-19 tại địa phương, tiếp tục rà soát phương án thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 để khẩn trương, chủ động thiết lập, bổ sung, đầu tư và sẵn sàng hoạt động trong thời gian nhanh nhất các cơ sở thu dung, điều tri ̣theo mô hình tháp 3 tầng.
Bảo đảm đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu, hồi sức tích cực, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc điều trị cho các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo các phương án bảo đảm công tác y tế, đặc biệt chuẩn bị cho tình huống xấu/nghiêm trọng xảy ra trong thời gian sớm nhất.
Huy động tối đa các cơ sở hiện có tại địa phương của nhà nước và tư nhân để lên phương án thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng.
Tầng 1 bảo đảm tối thiểu có chai ô-xy khí; tầng 2 bảo đảm tối thiểu có máy thở ô-xy dòng cao, máy thở không xâm nhập, chai ô-xy khí, bình ô-xy lỏng, đường khí nén, đường hút áp lực, dàn hoá hơi;
Tầng 3 bảo đảm tối thiểu có máy thở ô-xy dòng cao, máy thở không xâm nhập và xâm nhập, bồn ô-xy lỏng, đường khí nén, đường hút áp lực, dàn hoá hơi, bình ô-xy lỏng và chai ô-xy khí để đáp ứng nhu cầu cấp cứu, hồi sức tích cực cho người bệnh nặng và nguy kịch.
Chuẩn bị kịp thời các gói an sinh, gói thuốc điều trị ngoại trú khi triển khai điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà.
Phân công UBND quận/huyện có trách nhiệm quản lý, hỗ trợ kịp thời các ca F0 trên địa bàn và theo dõi sát sao kết quả thực hiện việc chăm sóc, điều trị F0 tại nhà.
Bảo đảm nhân lực và năng lực chuyên môn theo các phân tầng Chủ động rà soát nguồn nhân lực của địa phương, lập kế hoạch đào tạo, huy động nhân lực phù hợp với các phương án thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tương ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Cũng theo yêu cầu của Bộ Y tế, các tỉnh cần tăng cường huy động nguồn nhân lực của các bộ, ngành, cơ sở tư nhân, sự tham gia tích cực của cộng đồng và mạng lưới các tình nguyện viên, sinh viên khối trường đại học sức khỏe, “thầy thuốc đồng hành”, người về hưu… và có các hình thức động viên, chia sẻ và chế độ đãi ngộ cụ thể, phù hợp bằng tài chính và phi tài chính.
Cung cấp thông tin và hướng dẫn cho người dân, người bệnh về thông tin liên lạc của hệ thống cấp cứu 115, y tế cơ sở, cơ sở thu dung, quản lý, điều trị Covid19, mạng lưới thầy thuốc tình nguyện… để liên hệ được khi cần.