Hội nghị nằm trong khuôn khổ Chương trình “Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XII năm 2017” diễn ra từ ngày 15 đến ngày 17/5.
Cam kết đồng hành
Hội nghị có sự tham dự của đông đảo các nhà đầu tư, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các chuyên gia kinh tế. Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn phương chủ trì Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng đã giới thiệu tổng quan về các tiềm năng thế mạnh của địa phương. Theo đó, huyện A Lưới là địa phương được đánh giá có nhiều tiềm năng thế mạnh để phát triển toàn diện các ngành kinh tế, trong đó các thế mạnh tập trung chủ yếu như: Vị trí địa lý thuận lợi và mang tính chiến lược khi có trục đường Hồ Chí Minh đi qua, có Quốc lộ 49 kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây; là địa phương có diện tích đất lớn nhất tỉnh, tài nguyên thiên nhiên phong phú đa dạng, nguồn nước dồi dào, khí hậu quanh năm ôn hòa mát mẻ có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp với các rừng nguyên sinh rộng lớn, văn hóa truyền thống giàu bản sắc…
A Lưới có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái |
Huyện A Lưới là địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, do đó đầu tư vào A Lưới nhà đầu tư ngoài việc được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất của Chính phủ theo Luật đầu tư năm 2014 thì còn được hưởng các chính sách đầu tư theo Quyết định số 19/2017/QĐ- UBND ngày 21/4/2017 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó bổ sung nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư so với quy định cũ trước đây.Ngoài ra, các dự án kêu gọi đầu tư của huyện đều nằm trong danh mục các dự án kêu gọi của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
“Đây là cơ sở quan trọng nhằm tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư khi đầu tư vào tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, huyện A Lưới nói riêng”, Chủ tịch Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, trong thời kỳ hội nhập, tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, huyện A Lưới nói riêng xác định sự thành công và phát triển của địa phương đó là phải gắn bó và đồng hành với cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm biến những tiềm năng thế mạnh của huyện trở thành cơ hội phát triển bền vững. Do vậy trong thời gian tới, huyện A Lưới sẽ tiếp tục công tác tập trung cải thiện môi trường đầu tư bằng cách hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản hoác các thủ tục đầu tư, cùng với tỉnh triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, hỗ trợ doanh nghiêp nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khi đến đầu tư với huyện.
Tại Hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cam kết: “Lãnh đạo tỉnh luôn sẵn sàng lắng nghe, gặp gỡ để kịp thời giải đáp, đối thoại, tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp. Thay mặt UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tôi cam kết sẽ luôn đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp, khi đến tìm hiểu nghiên cứu và đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện A Lưới, cam kết sẽ áp dụng các ưu đãi ở mức cao nhất theo khung quy định pháp luật và đảm bảo cơ sở hạ tầng thiết yếu để các dự án đủ điều kiện triển khai”.
Tồn dư dioxin ở A Lưới đã về mức cho phép
Tại Hội nghị, các nhà đầu tư tham dự đã đề cập nhiều vấn đề liên quan đến triển vọng đầu tư tại huyện A Lưới như quỹ đất, chính sách ưu đãi đầu tư... đặc biệt là vấn đề tồn dư chất dioxin còn sót lại tại huyện A Lưới hiện nay.
Về vấn đề này, Giáo sư Phùng Tửu Bôi – Ban chỉ đạo 33 (Bộ Tài nguyên và Môi trường), một chuyên gia từng nhiều năm gắn bó với địa bàn huyện A Lưới phát biểu cho biết, hiện nay A Lưới về cơ bản còn sót lại 1 điểm nóng còn tồn lưu dioxin đó là khu vực sân bay A Sho (xã Đông Sơn) còn các điểm khác trên địa bàn huyện lưu lượng đã ở trong chỉ số cho phép.
“Điều này được khẳng định bằng những số liệu cụ thể; bằng kết quả của các cuộc khảo sát toàn diện phân tích những mẫu đất, mẫu động vật, thực vật tại tất cả các khu vực khác nhau trên địa bàn huyện A Lưới trên 2 phương diện không gian và thời gian do các cơ quan tổ chức trong và ngoài nước thực hiện trong vòng 21 năm qua, kể từ 1996 đến nay”, GS Phùng Tửu Bôi chia sẻ.
Khu vực sân A So (xã Đông Sơn, A Lưới) vốn trước đây là khu vực chứa hóa chất dioxin của quân đội Hoa Kỳ trong chiến tranh, do vậy thời gian tới khu vực này sẽ được khoanh vùng cách ly nhằm thực hiện các biện pháp phân giải, xử lý tồn dư dioxin ở đây.
Phó chủ tịch UBND tỉnh thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương ( trái ảnh)trao giấy chứng nhận đầu tư dự án cho nhà đầu tư tại Hội nghị |
Tại Hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đã tiến hành trao Chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy tinh bột sắn A Lưới tại thôn Tà Ay, xã Hồng Vân với tổng vốn đầu tư 92 tỷ đồng; đồng thời trao Văn bản chấp thuận địa điểm nghiên cứu đầu tư cho 4 dự án khác với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 100 tỷ đồng.
6 công trình dự án huyện A Lưới kêu gọi đầu tư:
+ Dự án Khu du lịch sinh thái A nororr (xã Hồng Kim).
+ Dự án Khu du lịch sinh thái suối khoáng nóng A Roàng (xã A Roàng).
+ Dự án khu du lịch sinh thái Par le (xã Hồng Hạ).
+ Dự án chăn nuôi gia súc ( bò, lợn).
+ Dự án nhà máy sản xuất dăm gỗ xuất khẩu và chế biến gỗ nguyên liệu rừng trồng.
+ Dự án trồng cây dược liệu.