Vietcombank là một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam nhưng còn khoảng cách xa với Top 100 ngân hàng khu vực |
Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu: “Phấn đấu đến cuối năm 2025, có ít nhất từ 2 - 3 NHTM nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á và 3 - 5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài”.
Vietcombank là một trong các “ứng cử viên” phấn đấu lọt Top 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản lớn nhất trong khu vực. Tuy vậy, hiện tại, Vietcombank vẫn còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu này.
Cụ thể, trong danh sách AB500 Strength Rank (xếp hạng về sức mạnh của các Ngân hàng) năm 2023, VCB chỉ xếp thứ 190 với tổng tài sản khoảng 77 tỷ USD, tương đương 65% mức tổng tài sản 119 tỷ USD của ngân hàng xếp thứ 100 khu vực là Hua Nan Bank (Đài Loan).
Theo báo cáo của Chính phủ, với tốc độ tăng trưởng quy mô tổng tài sản của VCB dự kiến ở mức 9% và giả định tổng tài sản của Ngân hàng thứ 100 khu vực (Hua Nan Bank) không thay đổi thì phải sau 5 năm VCB mới đạt mức quy mô tổng tài sản xếp thứ 100.
Tuy nhiên, thực tế tổng tài sản của các ngân hàng khác trong khu vực vẫn đang tăng trưởng và với tốc độ tăng trưởng tổng tài sản của Ngân hàng Hua Nan Bank ở mức khoảng 7% như hiện nay thì VCB phải cần 24 năm mới vượt qua được quy mô Tổng tài sản của Hua Nan Bank.
Hiện nay, không có đại diện ngân hàng nào của Việt Nam thuộc Top 100 khu vực. VCB tuy có quy mô tổng tài sản đứng top đầu thị trường trong nước nhưng còn một khoảng cách khá xa so với các ngân hàng khu vực.
Trong khi, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đều là các nước trong khu vực đã có NHTM đạt quy mô tài sản đứng đầu thế giới, góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế và tiềm lực quốc gia, bắt tay đầu tư với các định chế tài chính quốc tế lớn, hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa vươn ra thế giới.
Không chỉ xét về tổng tài sản mà tỷ lệ an toàn vốn của Vietcombank cũng thấp hơn nhiều ngân hàng khu vực. Tỷ lệ an toàn vốn CAR riêng lẻ của VCB tại 31/12/2023 là 11,05%, CAR hợp nhất là 11,39%. Trong khi đó, CAR trung bình của các ngân hàng Indonesia là 23,27%, Thái Lan là 20,24%, Myanmar là 18,9%, Singapore là 17,1%, Australia là 16,6%...
Do đó, để hiện thực được mục tiêu của ngành ngân hàng Việt Nam có đại diện trong Top 100 của khu vực Châu Á, việc khẩn trương tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước, trong đó có Vietcombank, là rất cần thiết.
Theo chương trình làm việc dự kiến, chiều 23/10, Tờ trình về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank sẽ được trình bày trước Quốc hội.
Cụ thể, Chính phủ đề nghị bổ sung vốn nhà nước hơn 20.695 tỷ đồng cho Vietcombank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu (tỷ lệ 49,5%) từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021. Sau khi được bổ sung vốn, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng lên 83.557 tỷ đồng.
Tính tới cuối tháng 6/2024, BIDV đang đứng về quy mô tổng tài sản với 2,52 triệu tỷ đồng, tăng 9,6% so với cuối năm 2023. Tiếp đến là VietinBank, với tổng tài sản đạt hơn 2,16 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023. Agribank đứng ở vị trí thứ 3 với tổng tài sản đạt hơn 2,081 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với cuối năm 2023. Vietcombank đứng thứ 4, với tổng tài sản đạt hơn 1,905 triệu tỷ đồng, tăng 3,6% so với cuối năm 2023.