IFC hỗ trợ ngành dệt may vì đây là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nữ |
Theo đó, IFC sẽ cấp vốn ưu đãi cho các nhà cung cấp để thực hiện các giải pháp nâng cao các tiêu chuẩn môi trường, xã hội, sức khỏe và an toàn. Trước mắt, chương trình sẽ được triển khai tại Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Pakitstan và Việt Nam.
IFC sẽ áp dụng một cơ chế cấp vốn với nhiều mức giá áp dụng cho vốn lưu động ngắn hạn, qua đó tạo điều kiện để những nhà cung cấp đạt điểm số cao trên thang điểm đánh giá nhà cung cấp của PUMA được hưởng mức chi phí vốn thấp.
Các điểm số này được xác định dựa trên kết quả giám sát của PUMA đối với nhà cung cấp về thực tiễn tuân thủ các tiêu chuẩn xã hội, môi trường của hãng thông qua quy trình kiểm toán.
Ông Lars Soerensen, Tổng Giám đốc PUMA cho biết, đây là chương trình đầu tiên của hãng dành chế độ ưu đãi cho nhà cung cấp căn cứ trên điểm số đạt được trong khuôn khổ chương trình môi trường và bền vững của PUMA, thông qua các loại phí liên quan.
IFC cấp vốn cho các doanh nghiệp sản xuất quần áo may sẵn và da giày thông qua chương trình Tài trợ Thương mại Toàn cầu cho Nhà cung cấp (GTSF), theo đó sẽ cấp vốn lưu động cho nhà cung cấp căn cứ trên các khoản phải thu từ bên mua nước ngoài.
Tài trợ cho nhà cung cấp là một hình thức linh hoạt cho phép nhà cung cấp ở các thị trường mới nổi tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý để thực hiện các hợp đồng cung cấp trong thời hạn được xác định bởi các điều khoản tín dụng.
Được triển khai từ năm 2010, chương trình GTSF của IFC là một chương trình tư vấn và đầu tư bằng nhiều loại tiền tệ trị giá 500 triệu đô-la Mỹ, thực hiện cấp vốn ngắn hạn cho các nhà cung cấp và các doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ ở các thị trường mới nổi.
Theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tính trên toàn thế giới, ngành dệt may và da giày thu hút khoảng 60 triệu lao động, phần nhiều là các phụ nữ trẻ. IFC đầu tư vào ngành này vì đây là ngành tạo việc làm chính thức cho các lao động ít kỹ năng, từ đó góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo tại các nước đang phát triển.
Một trong các hoạt động hỗ trợ của IFC cho ngành này được thực hiện thông qua chương trình Việc làm Tốt hơn (Better Work), hợp tác cùng ILO. Chương trình Việc làm Tốt hơn đi vào hoạt động từ năm 2009, với mục tiêu tăng cường tuân thủ các tiêu chuẩn lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.
IFC là thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi.
Tổ chức này hiện đã hỗ trợ hơn 2.000 doanh nghiệp tư nhân trên khắp thế giới. Trong năm tài chính 2015, tổng đầu tư dài hạn của IFC tại các nước đang phát triển đạt gần 18 tỷ USD.
PUMA là một trong những thương hiệu thể thao chuyên thiết kế, sản xuất, tiêu thụ và tiếp thị các sản phẩm da giày, quần áo, phụ kiện thời trang. Tập đoàn PUMA Group là chủ sở hữu của các thương hiệu PUMA, Cobra Golf, Dobotex, Brandon. Hãng hiện đang phân phối sản phẩm tại hơn 120 quốc gia, với đội ngũ nhân lực hơn 10.000 người trên toàn thế giới, và có trụ sở đặt tại Herzogenaurach, Đức.