Phát biểu tại buổi lễ trao tặng vắc-xin dại cho công tác phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam vừa được tổ chức tại Hà Nội, dược sĩ Nguyễn Bình Minh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Y tế AMV cho hay, bệnh dại là căn bệnh thường xảy ra với người dân ở các vùng núi, vùng sâu, nông thôn và người yếu thế. Bên cạnh đó, công tác phòng chống dịch bệnh dại nhiều năm qua vẫn còn nhiều khó khăn.
Công ty IIL - Indian Immunological Ltd trao tặng vắc-xin cho đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. |
Dại là bệnh nguy hiểm, khi lên cơn dại chắc chắn tử vong, nhưng đã có vắc-xin phòng bệnh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, giá vắc-xin dại vẫn còn là số tiền lớn với nhiều người nghèo, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa. Tất cả các vụ tử vong đều chưa tiêm vắc-xin phòng dại sau khi bị chó, mèo cắn.
Do vậy việc quan trọng hàng đầu là tuyên truyền để người dân chủ động tiếp cận được vắc-xin phòng bệnh dại và đi tiêm vắc-xin dại sớm nhất sau khi bị chó, mèo cắn.
Thời gian qua theo ông Nguyễn Bình Minh, Tập đoàn cố gắng phối hợp các đối tác để vắc-xin dại được tiêm miễn phí cho người nghèo và đã xây dựng bản đồ vắc-xin dại nhằm làm giảm bớt nỗi đau của người dân khi bị chó dại cắn.
Người đứng đầu Tập đoàn Y tế AMV đánh giá cao nghĩa cử đẹp của Công ty IIL - Indian Immunological Ltd và hy vọng với số lượng vắc-xin nêu trên sẽ cứu được nhiều sinh mạng cho người dân.
Văn phòng Chương trình phòng chống bệnh dại quốc gia là đầu mối tiếp nhận số vắc-xin trên và tổng hợp đăng kí số lượng vắc-xin dại từ các địa phương có nhu cầu gửi về.
Số vắc-xin này sẽ phân bổ cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các địa phương miền núi, những nơi có số ca tử vong vì bệnh dại cao và thiếu hụt vắc-xin dại để tiêm miễn phí cho các đối tượng trong chương trình.
Cũng tại sự kiện theo TS.Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng văn phòng Chương trình phòng chống bệnh dại Quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tính đến 15/7/2024, cả nước xảy ra 56 ca tử vong do bệnh dại, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023.
Lãnh đạo của AMV Group và đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tại buổi lễ. |
Theo TS. Hương, trong 3 năm trở lại đây, số người bị tai nạn do động vật cắn tại Việt Nam tăng liên tục, tới 30-40%. Năm 2023, cả nước có 82 người tử vong vì bệnh dại, gần 700.000 người phải tiêm dự phòng vắc-xin và huyết thanh kháng dại sau khi bị chó, mèo cắn. Nguy cơ bệnh dại tại Việt Nam đang hiện hữu và rất cao.
Lượng người bị động vật cắn tăng nhanh chóng, trong khi công ty sản xuất vắc-xin cung ứng không kịp, trong thời gian qua có sự thiếu hụt vắc-xin trong thời gian ngắn, gây ra nguy cơ lớn cho đối tượng yếu thế. Nếu thiếu hụt vắc-xin dại sẽ ảnh hưởng đến an ninh y tế và an sinh xã hội.
"Vì vậy, sự trợ giúp của Công ty CP Y tế Đức Minh, Tập đoàn Y tế AMV phối hợp với Công ty Indian Immunological Ltd (Ấn Độ) trao tặng 10.000 liều vắc-xin dại cho Việt Nam cực kỳ kịp thời và mang ý nghĩa nhân văn", TS. Hương nói.
Theo Trưởng văn phòng Chương trình phòng chống bệnh dại quốc gia, đối tượng tiêm miễn phí là các hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi…
CDC một số tỉnh, thành nhận tài trợ vắc-xin dại. |
Được biết, Indian Immunological Ltd - doanh nghiệp tặng số vắc-xin lớn này có trụ sở chính ở thành phố Hyderabad, Bang Telangana, Ấn độ.
Đây là công ty đứng đầu ở Ấn Độ về thị trường sinh phẩm, vận hành một trong số các nhà máy vắc-xin lớn nhất trên thế giới dành cho người và động vật. IIL đóng vai trò quan trọng cung cấp vắc xin dành cho người ở Ấn Độ, tập trung vào phân khúc chính là vắc-xin phòng dại và nhi khoa.
TS.Meenesh C Shah, Chủ tịch Công ty IIL, thì đây là doanh nghiệp cung cấp vắc-xin trẻ em cho Chương trình tiêm chủng toàn cầu của Ấn Độ.
Hợp tác giữa Công ty Cổ phần Y tế Đức Minh (Almedic) và IIL đã thiết lập quan hệ hợp tác để giới thiệu các sản phẩm sinh học công nghệ tiên tiến của Ấn Độ vào thị trường Việt nam từ năm 2009.
Đến nay vắc-xin phòng chống bệnh dại Abhayrab đã được cấp phép lưu hành, hàng chục triệu liều đã được nhập khẩu và phân phối với giá thành hợp lý, góp phần không nhỏ vào phòng chống bệnh dại tại Việt Nam.
Đây cũng là doanh nghiệp sản xuất vắc-xin đầu tiên của Ấn Độ phát triển công nghệ nuôi cấy trên tế bào vero, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 80 triệu liều vắc-xin cho 20 quốc gia.
Về hợp tác của hai Công ty, theo TS.Anand Kumar, Tổng giám đốc IIL, Công ty Đức Minh đã phối hợp với IIL để đưa nhiều cán bộ kỹ thuật, quản lý Việt Nam sang các Trung tâm công nghệ Sinh học, các Labo tiên tiến của Ấn Độ học tập, đào tạo ngắn hạn cũng như đưa các chuyên gia Ấn Độ sang Việt Nam đào tạo kỹ thuật cho cơ sở sản xuất vắc-xin, cơ quan kiểm định chất lượng của Việt Nam.