Sức khỏe doanh nghiệp
Imexpharm hưởng lợi từ quy định đấu thầu thuốc mới
Thanh Thủy - 19/02/2021 13:43
Thông tư 15/2019/TT-BYT có hiệu lực từ tháng 10/2019 giúp doanh thu kênh bệnh viện của Imexpharm tăng 15% trong năm qua. Biên lợi nhuận cải thiện cũng giúp tăng trưởng lợi nhuận đạt 29,6%.

Lợi nhuận hoàn thành 98% kế hoạch, điểm sáng từ kênh bệnh viện

Mặc dù không cán đích cả chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận trong năm 2020, CTCP Dược phẩm Imexpharm vẫn ghi nhận một năm đáng nể trong tăng trưởng lợi nhuận nhờ biên lợi nhuận cải thiện.

Trong quý IV/2020, Imexpharm thu về 540 tỷ đồng doanh thu, giảm 4,8% so với cùng kỳ và 70 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 38,3%. Trong năm 2020, dù doanh thu vẫn giảm nhẹ 0,5% (1.421 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế cả năm vẫn đạt 255 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ và hoàn thành 98% kế hoạch năm.

Theo bộ phận phân tích của Chứng khoán SSI, nguyên nhân chính khiến doanh thu giảm là bởi sự thu hẹp của kênh nhà thuốc với mức giảm doanh thu 12%. Tuy nhiên, kênh này đang có những tín hiệu phục hồi khi doanh thu quý IV tăng 5% do nhu cầu sử dụng thuốc hồi phục sau thời kỳ giãn cách xã hội. Trong khi đó, doanh thu từ kênh bệnh viện tăng 15% so với cùng kỳ, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của công ty, chỉ hoàn thành 65% kế hoạch năm.

Từ quý IV/2019, công ty đẩy mạnh bán hàng tại kênh bệnh viện trước khi quy định đấu thầu thuốc mới (Thông tư 15/2019/TT-BYT) có hiệu lực. Cũng bởi nên so sánh cao, doanh thu mảng này quý IV giảm 16% so với cùng kỳ. Ngoài ra, Chứng khoán SSI cũng nhận định quá trình phê duyệt GMP của Bộ Y tế cho nhà máy IMP 3 trong năm diễn ra chậm và việc đăng ký thuốc kháng sinh mới cho nhà máy IMP 2 cũng bị trì hoãn do đội ngũ bán hàng của IMP khó gặp được các bác sĩ trong thời gian giãn cách xã hội kéo dài trước đó trong năm là các nguyên nhân khiến doanh thu kênh bệnh viên không đạt như kỳ vọng đề ra.

Như với các công ty đủ điều kiện sản xuất kháng sinh Cephalosporin (sản phẩm chính với IMP), số lượng ở nhóm 1, 2 đã giảm từ 68 công ty trong năm 2019 xuống còn 25 trong năm 2020 do 15 công ty xuống Nhóm 3, 4 trong khi 28 công ty khác chưa được tái cấp phép GMP.

Việc gia tăng kênh bệnh viện này cũng đóng góp vào sự cải thiện của tỷ suất lợi nhuận gộp trong năm qua. Lợi nhuận gộp cả năm vẫn nhích nhẹ 1,7% so với năm 2019 với biên lợi nhuận gộp ở đạt 38,5%, cao hơn mức 37% hồi năm 2019.

Nhiều yếu tố hỗ trợ nâng biên lợi nhuận

Imexpharm đã đấu thầu thành công một trong những sản phẩm cốt lõi (Cefalexin) trong nhóm đấu thầu cao nhất cho thuốc generic (nhóm 1) trên thị trường thuốc bệnh viện. Theo ước tính của bộ phận phân tích Chứng khoán SSI, sản phẩm này có thể đấu thầu trên thị trường thuốc bệnh viện nhóm 1 trong nửa đầu năm 2021 sau khi đáp ứng các yêu cầu bắt buộc về đăng ký sản phẩm với Cục Quản lý Dược Tây Ban Nha, cơ quan quản lý dược nước ngoài theo Thông tư 15/2019/TT-BYT. Đối với cùng một thành phần và kiểu đóng gói, thuốc nhóm 1 thường có mức giá đấu thầu cao hơn nhóm 2 trung bình từ 10 - 30%, nhờ đó tỷ suất lợi nhuận cũng sẽ tốt hơn. Tỷ suất lợi nhuận gộp của Imexpharm ước tính có thể cải thiện 1 - 2% trong năm 2021 khi IMP tiếp tục tăng sản lượng sản xuất Cefalexin lên 10 - 12% tổng doanh thu.

Cùng đó, nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng đi vào hoạt động và dự kiến ra mắt sản phẩm vào quý I/2021 cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện biên lợi nhuận. Dù doanh thu trong vài năm đầu sẽ chưa đáng kể, mảng kinh doanh này có  thể đạt tỷ suất lợi nhuận gộp ước tính gần 60%.

Chứng khoán SSI cho rằng các động lực tăng trưởng trong năm 2021 của công ty sẽ đến từ nhà máy IMP3 và IMP2, với sản phẩm cốt lõi là kháng sinh Cephalosporin và Penicillin, chuyên dung để điều trị các bệnh truyền nhiễm đang gia tăng tại bệnh viện như nhiễm trùng qua đường hô hấp (viêm phổi, viêm phế quản cấp) và đường tiêu hóa (viêm dạ dày, tá tràng) cùng nhu cầu chăm sóc sức khỏe hồi phục khi đại dịch được kiểm soát tốt hơn. Hiện Imexpharm chưa đưa ra bản kế hoạch kinh doanh cho năm 2021 nhưng theo dự phóng của công ty chứng khoán này, lợi nhuận năm tới có thể đạt mức tăng trưởng 40,9% lên 296 tỷ đồng.

Cách đây 3-4 năm, tỷ suất lợi nhuận gộp của Imexpharm có thời điểm lên tới hơn 50%. Tất nhiên khi đó, quy mô doanh thu của hãng dược này chưa lớn như hiện tại. Cùng đó, quy mô tài sản của Imexpharm cũng đã tăng trưởng nhanh. Đến cuối năm 2020, tổng tài sản của hãng dược này xấp xỉ 2.096 tỷ đồng và chủ yếu đến từ nguồn vốn tự có do các cổ đông góp vốn , thặng dư vốn cổ phần và tích lũy lợi nhuận qua các năm.

Tỷ lệ nợ ở thời điểm hiện tại của của Imexpharm chỉ chiếm khoảng 17,4%  nguồn vốn. Kênh tín dụng ngân hàng có tăng lên đáng kể so với cùng kỳ nhưng dư nợ cũng chỉ ở mức 131 tỷ đồng. Giữa tháng 12/2020, Imexpharm cho biết đã ký hợp đồng vay 8 triệu USD (~9% tổng tài sản) với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để bổ sung vốn lưu động cho năm 2021. Khoản vay này được trích từ gói hỗ trợ lãi suất thấp trị giá 20 tỷ USD của ADB dành cho các doanh nghiệp châu Á chịu ảnh hưởng từ Covid-19. Với lãi suất thấp hơn vay các ngân hàng trong nước bằng VND, công ty có thể tiết kiệm thêm chi phí lãi vay (khoảng 19 tỷ đồng các năm gần đây).

Tin liên quan
Tin khác