Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (IMP) sở hữu nhiều nền tảng vững chắc để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bền vững khi nắm bắt cơ hội sản xuất dược phẩm chất lượng cao và khả năng sản xuất biệt dược.
Thị trường hứa hẹn tăng trưởng cao
Ngành dược phẩm tại Việt Nam là thị trường đầy hứa hẹn cho sự tăng trưởng ở châu Á. Tổ chức IQVIA Institute đã xếp Việt Nam vào nhóm Pharmerging Market và ngành dược Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép CAGR 6%-8% trong giai đoạn 2023-2028.
Mức chi tiêu tiền thuốc bình quân của Việt Nam chỉ vào khoảng 75 USD/người và với dân số gần 100 triệu người… thị trường Việt Nam sẽ mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp dược phẩm trong nước, đặc biệt là các công ty hàng đầu như IMP tiếp tục tăng trưởng và phát triển bền vững.
Công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại nhà máy thuốc đạt chất lượng EU-GMP của Imexpharm. |
Lợi thế của nhà máy chuẩn EU-GMP
IMP nằm trong top các doanh nghiệp dược phẩm dẫn đầu hiện nay cùng với Dược Hậu Giang, Tổng Công ty Dược Việt Nam và Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định. Đáng chú ý, IMP hiện là một trong những doanh nghiệp sở hữu số lượng dây chuyền sản xuất thuốc đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn EU-GMP nhiều nhất Việt Nam.
Nền tảng công nghệ này được xem là điều kiện tốt để thúc đẩy động lực tăng trưởng dài hạn cho IMP trong thời gian tới. Bởi vì, đây là định hướng của ngành công nghiệp dược Việt Nam trong lộ trình bắt kịp các công nghệ sản xuất dược hiện đại, chất lượng quốc tế, để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Trong số các doanh nghiệp niêm yết, chỉ có IMP và Pymepharco (là hai công ty theo đuổi chiến lược đầu tư nhà máy EU-GMP từ trước năm 2015). Trong đó, IMP đã bắt đầu hái quả ngọt từ các nhà máy EU-GMP từ năm 2019. Nhờ tập trung cho các dây chuyền hiện đại, các sản phẩm của IMP đã thay thế thuốc nhập khẩu tại nhiều bệnh viện Việt Nam, tăng sức cạnh tranh của Công ty tại thị trường trong nước và tạo ra rào cản gia nhập mới đối với các hãng dược nước ngoài. Riêng năm 2023, IMP tăng trưởng vượt trội trên kênh OTC đang cạnh tranh mạnh mẽ, với doanh số OTC đóng góp 51% vào tổng doanh thu.
Bên cạnh đó, IMP dẫn đầu thị trường với vị trí số một về sản xuất và phân phối thuốc kháng sinh tại Việt Nam, với thị phần tăng lên gần 9%. IMP cũng là đơn vị dẫn đầu thị trường trên kênh ETC đang phát triển nhanh chóng, với doanh số bán hàng gấp 1,8 lần so với doanh nghiệp đứng thứ hai trong nước.
Nền tảng tài chính vững chắc
Chính vì vậy, dù trong môi trường kinh doanh đầy biến động nhưng IMP vẫn ghi nhận thành tích tăng trưởng vững chắc trong 5 năm qua. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2019-2023 lần lượt là 13,6% và 16,5%. CAGR của EBITDA trong 5 năm qua đạt 17,5%, trong khi CAGR của vốn chủ sở hữu đạt 7,5% và CAGR của tổng tài sản đạt 6,7% cùng kỳ.
Riêng năm 2023, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng kỷ lục trong năm. Tổng doanh thu đạt 2.113 tỷ đồng; tăng trưởng 26% so với mức tăng chung của toàn ngành là 8%. Doanh thu thuần đạt 1.994 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ và vượt 14% so với kế hoạch đề ra. Đồng thời, lợi nhuận trước thuế đạt 377,3 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt 8% so với kế hoạch. Cả doanh thu và lợi nhuận đều đạt mức tăng trưởng kỷ lục trong năm.
Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Imexpharm và Tập đoàn dược phẩm Genuone Sciences |
Dựa theo tiêu chuẩn Standard & Poor’s, các chỉ số đánh giá mức độ rủi ro tài chính của IMP như FFO/Debt, Debt/EBITDA… vẫn duy trì ở mức Minimal trong những năm gần đây. Mức độ rủi ro này là thấp nhất trong bảng xếp loại rủi ro tài chính. Các nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu IMP điểm sáng trong ngành dược khi công ty này duy trì chính sách cổ tức dồi dào trong 2 năm qua, ở mức 15% trên vốn điều lệ, trong đó 10% dưới dạng cổ tức bằng tiền mặt và 5% dưới dạng cổ tức bằng cổ phiếu.
Tiếp tục mở rộng thị trường mới
Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam dự báo giá trị ngành dược phẩm năm 2024 sẽ đạt 7,89 tỷ USD (tăng 9,1% so với cùng kỳ). Trong đó, kênh ETC tăng trưởng mạnh hơn OTC nhờ sự bao phủ bảo hiểm toàn dân đã đạt 93%. Dự phóng giá trị mảng ETC năm 2024 sẽ đạt 6 tỷ USD, tăng 9,4%.
Năm 2024, IMP đặt mục tiêu tăng tổng doanh thu 24% và doanh thu thuần tăng 19%. Công ty cũng có kế hoạch tăng trưởng doanh thu trên kênh OTC 12% (so với 6% tăng trưởng năm 2023), và tăng trưởng vượt trội doanh thu trên kênh ETC, đặt mục tiêu tăng 49%. Công ty dự kiến tiếp tục duy trì xu hướng của biên EBITDA đã được giữ ổn định qua các năm, đặt mục tiêu ở mức 18% cho năm 2024.
Kế hoạch này khả thi khi IMP hiện có trên 333 sản phẩm được Bộ Y tế cấp phép lưu hành trên toàn quốc, trong đó có 11 EU MAs (Số đăng ký sản phẩm châu Âu) cấp năm 2023 cho 6 sản phẩm, trong đó có các sản phẩm khó như Ampicillin/Sulbactam, nâng tổng số EU MAs lên 27 trên 11 sản phẩm.
Chính sách này sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước như IMP cải thiện thị phần so với sản phẩm nhập khẩu ở kênh bệnh viện. Đặc biệt, tác động của những chính sách này sẽ được thấy rõ hơn vào những năm tiếp theo (2025-2026).
Công ty cũng đẩy mạnh hợp tác với các công ty dược phẩm nước ngoài để đưa công nghệ y tế mới vào thị trường Việt Nam. Mới đây, IMP đã bắt tay cùng tập đoàn dược phẩm Genuone Sciences Inc (Hàn Quốc), IMP có thể độc lập sản xuất và quản lý các loại thuốc biệt dược chất lượng cao trong tương lai và hướng đến trở thành công ty dược hàng đầu. Được biết, IMP có kế hoạch xúc tiến mở rộng các nhóm thuốc trị liệu mới trong các lĩnh vực như tim mạch, tiểu đường…